Quảng Bình nỗ lực giảm nghèo bền vững

Bài cuối: Ý chí, nội lực của hộ nghèo là điều kiện tiên quyết

- Thứ Tư, 24/08/2022, 05:48 - Chia sẻ

Mặc dù có nhiều nỗ lực song đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn hơn 16.000 hộ nghèo và hơn 13.000 hộ cận nghèo... Thực tế đó, đòi hỏi tỉnh phải điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp đến từng hộ, từng địa phương; xác định ý chí, nội lực của hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Nguy cơ tái nghèo còn cao

Giảm số hộ nghèo là mục tiêu quan trọng nhưng không dễ triển khai. Tại Tuyên Hóa, năm 2021, toàn huyện có 1.263 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 5,07%); cận nghèo 1.439 hộ (chiếm 5,78%). Còn theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025, huyện có 2.192 hộ nghèo (chiếm 8,78%); 1.591 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%)... Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Vũ Thường cho biết, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn như: một số xã chưa phát huy tốt nội lực và tiềm năng thế mạnh, chưa chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo; chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều... Do đó, chưa tạo được sự đột phá, nguy cơ tái nghèo cao.

Kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự bền vững - Ảnh: Châu San
Kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự bền vững. Ảnh: Châu San

Tương tự Tuyên Hóa, đại diện lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện gặp 3 khó khăn đặc thù trong công tác giảm nghèo. Đó là: điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế… “Thiên tai tác động và ảnh hưởng nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của huyện. Sau những đợt thiên tai bão lũ, trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều hộ tái nghèo”, đại diện UBND huyện chia sẻ thêm.

Còn với huyện Lệ Thủy, công tác tuyên truyền tại một số xã, thị trấn còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa hiểu tầm quan trọng của việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo nên vẫn còn tình trạng khai báo chưa trung thực, che giấu tài sản, nhân khẩu… Theo số liệu từ công tác thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.922 hộ nghèo (chiếm 6,98%); 1.909 hộ cận nghèo (chiếm 4,56%).

Tuyên Hóa, Minh Hóa hay Lệ Thủy chỉ là ba trong số nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang phải loay hoay với chỉ tiêu giảm nghèo. Bởi, xét trên tổng thể, kết quả giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao so với mức trung bình cả nước. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn thiếu nguồn lực. Kết cấu hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ. Một bộ phận hộ nghèo chưa chủ động vươn lên thoát nghèo; nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao…

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa quyết liệt; ngân sách địa phương đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn nghèo để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiêu thụ, chế biến sản phẩm và cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chất lượng giáo dục, y tế tại các xã khó khăn chưa được cải thiện…

Thay đổi hướng tiếp cận về giảm nghèo 

Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn đề nghị tỉnh huy động, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp để tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên về tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm; tăng thêm sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Đồng thời, quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, thể hiện tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng từ góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam đề xuất, tỉnh cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 bằng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cụ thể, thiết thực để từng bước rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên (giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện mới thoát nghèo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 4% trở lên), UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; xác định ý chí, nội lực của chính hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo; lấy sự phát triển của người nghèo làm mục tiêu trong các chương trình, dự án. Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; xây dựng và phát triển đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc vận động nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo… Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giảm nghèo…

Diệp Anh