Tham gia Đoàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà...
Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là sự kiện đánh dấu kết thúc thành công chuỗi hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng, ủng hộ của ta đối với Campuchia trước thềm Đại hội đồng AIPA-43; đồng thời góp phần quan trọng vào việc củng cố quan hệ và tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cũng như cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Lãnh đạo cấp cao Campuchia; thúc đẩy quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, hai bên sẽ trao đổi về phương hướng hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trong thời gian tới cả trong khuôn khổ song phương và đa phương; trao đổi ý kiến về vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt, Quốc hội hai nước sẽ ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội và giữa hai cơ quan giúp việc là Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Thượng viện Campuchia cho giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự Đại hội AIPA-43 nhằm: tiếp tục triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương; cùng các nghị viện thành viên AIPA củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA với các đối tác, góp phần vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực; thúc đẩy các ưu tiên, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội nước ta tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Đảng và Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, tăng cường quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với các đối tác tham dự Đại hội đồng, thông qua các tiếp xúc cấp cao của Trưởng đoàn với các đối tác trong và ngoài khu vực, thông tin tới bạn bè khu vực và quốc tế về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và hoạt động của Quốc hội trong phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.
Với Philippines, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt nước ta trong năm 2022 và chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 16 năm. Đây cũng là một trong những chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Quốc hội nước ngoài đến Philippines sau khi Bạn tổ chức thành công Tổng tuyển cử (tháng 5.2022) và có ban lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện mới (tháng 7.2022). Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Ban lãnh đạo mới của Philippines và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines sau khi hai nước vừa kỷ nhiệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2021).
Chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Philippines nói chung và quan hệ giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng; thúc đẩy hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước; góp phần tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại - đầu tư, y tế, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh. Một trong các trọng tâm trong chuyến thăm là thông qua kênh nghị viện để rà soát, thúc đẩy xây dựng các chính sách pháp luật làm đòn bẩy cho hợp tác kinh tế, đồng thời tranh thủ hợp tác với Philippines trong các vấn đề cùng quan tâm và phối hợp trong ASEAN.