“Chơi dao có ngày đứt tay”

Huyền Trang 27/11/2015 08:51

Facebook trở nên tiện dụng và phổ biến trên toàn thế giới đến mức có một bộ phận người sử dụng bị coi là “nghiện”. Vậy trên Facebook (phây - như cách gọi của giới trẻ) có gì mà hấp dẫn vậy? Thôi thì đủ chuyện. Từ chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện chơi; ngóc ngách đời tư; đến chuyện chính trị trong nước, thế giới… Chuyện thật cũng có, chuyện bịa cũng không thiếu. Ai ai cũng có thể dễ dàng thiết lập một tài khoản, sau đó tha hồ thể hiện quan điểm cá nhân, hay cũng được mà dở cũng chẳng sao.

Ở trên “phây” mọi cá nhân tha hồ bộc lộ quan điểm về một vấn đề nào đó mà không sợ bị đánh giá là người thế này, thế nọ. Bởi đó là thế giới ảo, nhưng đôi khi ảo mà lại thành thật. Như việc xảy ra tại An Giang. Vì một bình luận trên “phây” mà có tới 16 cơ quan phải vào cuộc để xử lý 3 cá nhân. Dư luận xôn xao bởi việc bình luận trên “phây” là hết sức bình thường, là hiển nhiên phải có. Nhưng ở đây là lại bình luận về lãnh đạo tỉnh. Thế mới có chuyện.

Cái quan trọng, đáng nói trong việc này là cách xử lý thông tin. Các cơ quan chức năng của An Giang chắc không có tài khoản trên “phây” và chắc cũng không có điều kiện để vào hết các tài khoản. Vậy thì câu bình luận về lãnh đạo tỉnh được cung cấp thông qua kênh nào? Chắc rằng phải có ai đó biết và thông tin, thậm chí có thể là “báo cáo”. Và do câu bình luận đó được cho là “nói xấu” nên chuyện mới “bé xé ra to” như thế. Phải thẳng thắn rằng, nếu đó là những bình luận đúng về một vấn đề, sự việc cụ thể nào đó có liên quan đến các cơ quan chức năng của tỉnh thì cũng nên thẳng thắn, cầu thị tiếp thu chứ không nên coi đó là kênh thông tin không chính thống, nên bỏ ngoài tai, không cần quan tâm. Còn khi “đụng chạm” đến cá nhân, nhất là cá nhân đó là lãnh đạo thì “hăng hái” vào cuộc để “xử lý”. Như vậy là không công bằng, bởi trên thực tế, đã có nhiều vấn đề, dựa trên những thông tin trên “phây” mà cơ quan chức năng giải quyết được.

Những bình luận trên “phây” có thể là vô thưởng, vô phạt nhưng không phải tất cả đều như vậy. “Phây” cũng có những mặt tích cực nếu những người “chơi phây” là những người có thể kiểm soát được hành vi của mình. Ví dụ như việc tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng nhất, đến nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp trong xã hội để tìm kiếm sự ủng hộ về một vấn đề nào đó. Nhưng đây cũng đồng thời là hạn chế nếu người đưa các thông tin đó sai sự thật hoặc không kiểm soát được nguồn thông tin. Bởi vậy, điều quan trọng là người đưa thông tin phải ý thức, phải kiểm soát được bản thân khi ở trong điều kiện ít bị ràng buộc về mặt đạo đức và pháp luật. Với người tiếp nhận thông tin, cần phải có sự chắt lọc, cái gì là giải trí, cái gì là xem cho biết và cái gì là học tập chứ không phải theo “tâm lý đám đông”.

Vụ việc ở An Giang đã đi vào hồi kết khi các quyết định xử phạt 3 cá nhân được cho là “nói xấu” lãnh đạo tỉnh đã được rút lại nhưng bài học về việc sử dụng và xử lý những thông tin trên “phây” cả với tập thể và cá nhân vẫn còn đó.

Cái gì cũng có tính hai mặt. Chắc hẳn ai cũng biết điều này những không phải ai và khi nào cũng làm được. “Phây” tiện dụng và hữu ích nhưng cũng vẫn phải cẩn thận kẻo “chơi dao có ngày đứt tay”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Chơi dao có ngày đứt tay”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO