Dự và chỉ đạo hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị và cán bộ, người lao động Thanh tra Chính phủ…
Phát hiện và xử lý 114 vụ việc tham nhũng
Năm 2023, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, đồng thời chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật với tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo đúng tinh thần các nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, trong năm 2023 ngành Thanh tra đã phát hiện 114 vụ việc, 176 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 22 vụ, 35 người. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 54 vụ, 97 người. Qua giải quyết khiếu nại, tổ cáo phát hiện 38 vụ, 44 người liên quan đến tham nhũng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia Phòng chống tham nhũng tiêu cực đến năm 2030 và Kế hoạch thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo Định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng báo cáo Kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2022; tổ chức Hội nghị toàn quốc trao đổi kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập; triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”…
Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm nước rút thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm. Trong nước, áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao; Tình hình xuất nhập khẩu, lao động, việc làm còn khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ…
Trên cơ sở đó Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, ngành Thanh tra và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành; khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo thống nhất, đồng bộ; Bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Cần khẩn trương triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được phê duyệt theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm; Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, ngành thanh tra cần giữ vững các tiêu chí: “Nghiệp vụ phải tinh thông, đạo đức phải trong sáng, làm việc phải công tâm”. Đồng thời, Phó thủ tưởng tin tưởng rằng với bề dày truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, tận tụy, trongnăm 2024 và thời gian tới, toàn ngành Thanh tra sẽ tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó.
Tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhận định: Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận trực tiếp và nhiều ý kiến bằng văn bản gửi về Ban tổ chức Hội nghị, các ý kiến trao đổi thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, sâu sắc, sát thực tế, đã làm rõ hơn kết quả năm 2023 và phương phướng nhiệm vụ công tác của ngành Thanh tra năm 2024. Thanh tra Chính phủ sẽ giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để triển khai thực hiện trong thời gian tới
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Sẽ “Tập trung thanh tra các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm, dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, đấu thầu, mua sắm tài sản công, mua bán trái phiếu, chứng khoán… Phải tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra.”
Đồng thời, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có vi phạm. Đẩy mạnh công tác giám sát sau thanh tra, tăng tỉ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng.
“Một trong những khó khăn của ngành thanh tra hiện nay là khi phát hiện tiêu cực thì cái nào chuyển cơ quan điều tra, cái nào không chuyển. Những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ thường mời đại diện của Bộ Công an, Viện kiểm sát và Ban Nội chính Trung ương để cùng bàn xem, mang tính chặt chẽ hơn”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, về định hướng trong năm 2024, ngành thanh tra xác định tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra.