Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã quy định chi tiết, cụ thể hơn rất nhiều so với Luật hiện hành.
Cụ thể, về vị trí, vai trò của Thủ đô (Điều 2), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại diện các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô theo hướng bổ sung quy định Thủ đô Hà Nội “là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt” vào Điều 2 của dự thảo Luật để phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô, ghi nhận thực tế hiện nay và để bảo đảm thực hiện ổn định các cơ chế, chính sách đang được áp dụng cho Hà Nội, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn.
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện thêm quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Hà Nội, quận, thị xã, TP thuộc Thành phố và UBND phường theo hướng thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP. Hà Nội, giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của Việt Nam.
Đa số đại biểu tán thành với việc xây dựng và ban hành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các cơ chế, chính sách được thiết kế cần thể hiện rõ hơn tính vượt trội, rõ ràng, rành mạch; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm tính khả thi.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài, một số ý kiến cho rằng, hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định một số chính sách để thu hút đầu vào đối với nhân tài song chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng, “giữ chân” nhân tài. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm các nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống; xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền TP. Hà Nội.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); nêu rõ, Câu lạc bộ sẽ tổng hợp đầy đủ, gửi đến các cơ quan có liên quan nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao cũng như xây dựng Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.