Giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước đã bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, thực trạng và nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn để tập trung tổ chức thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công ngay sau khi được phê duyệt.
Cục Công Thương địa phương cho biết, 9 tháng vừa qua, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được phê duyệt (gồm kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương) của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan là 332 tỷ đồng, tăng 1,03% so với thực hiện năm 2023 (322 tỷ đồng). Theo đó, nguồn vốn khuyến công tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, cụm công nghiệp; đào tạo nhân lực...
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hà khẳng định, chính sách khuyến công thời gian qua đã tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của ngành công thương địa phương. Đặc biệt, chính sách khuyến công đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm. Riêng nội dung hỗ trợ ứng dụng công nghệ và cải tiến sản xuất, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ được 10 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí 2,675 tỷ đồng, thu hút 5,7 tỷ vốn đối ứng. Các đơn vị sau khi được hỗ trợ đều cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tương tự, thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các đề án, nhiệm vụ được triển khai phù hợp với nhu cầu của cơ sở công nghiệp nông thôn và điều kiện thực tế của địa phương, góp phần tạo sự liên kết, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo chủ trương phát triển của hoạt động khuyến công.
Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chính sách khuyến công
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động khuyến công, nhiều địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương mong muốn thời gian tới, chính sách khuyến công sẽ ngày càng hoàn thiện để tiếp tục là trợ lực vững chắc cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước.
Hiện, tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án di dời cơ sở sản xuất không đảm bảo yếu tố môi trường vào các cụm công nghiệp, tuy nhiên, một mình địa phương thực hiện là hơi "quá sức". Do đó, tỉnh đề nghị khuyến công có thêm chính sách hỗ trợ cho nội dung này, có thể không hỗ trợ toàn bộ hoạt động nhưng hỗ trợ một số hạng mục cụ thể.
Ngoài ra, Bình Dương có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề gốm Bình Dương. Các cơ sở duy trì và phát triển nghề này hầu hết có quy mô nhỏ, khó khăn về nguồn lực tài chính, địa phương mong muốn chính sách khuyến công hỗ trợ các nghề, làng nghề đặc thù này.
Cũng theo Sở Công Thương Bình Phước, cơ quan tài chính đã không còn thẩm định chi tiết đối với các nội dung chi và mức chi cho các hoạt động khuyến công, do đó gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, giải ngân kinh phí đối với các đề án. Hoạt động khuyến công ở cấp huyện chưa được quan tâm nhiều; chưa được bố trí kinh phí cho cấp huyện để thực hiện, do đó còn hạn chế trong việc xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công ở địa phương. Nguồn ngân sách cấp cho hoạt động khuyến công chưa đáp ứng so với nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước kiến nghị Bộ Tài chính sớm thỏa thuận kinh phí đối với các đề án khuyến công đã được Bộ Công Thương phê duyệt để các đơn vị chủ động triển khai thực hiện.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch khuyến công tỉnh Đồng Nai năm 2024 và những nhiệm vụ những năm tới, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ, như tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở công nghiệp nông thôn tiệm cận chính sách khuyến công. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm đối tác, liên doanh, liên kết, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công cho đội ngũ làm công tác khuyến công ở cấp tỉnh, huyện, xã và hơn hết là đội ngũ cộng tác viên khuyến công. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả; kinh phí hỗ trợ sử dụng đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cũng như các quy định khác về hoạt động khuyến công.
Triển khai các cơ chế chính sách về khuyến công và các chính sách khác theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện dịch vụ hành chính về khuyến công qua mạng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình.