Thế giới 24h

Chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Hàn Quốc: Thế cân bằng thực dụng

Quốc Đạt 27/07/2025 07:07

Tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung có vẻ như sẽ thực hiện bước chuyển rõ rệt trong chính sách đối ngoại khi quyết định từ bỏ chiến lược xoay trục sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) đầy tham vọng của người tiền nhiệm Yoon Suk-yeol. Thay vào đó, ông đang theo đuổi một đường lối thực dụng, linh hoạt hơn, giảm đối đầu, mở rộng đối thoại, đặc biệt với hầu hết các cường quốc láng giềng như Trung Quốc và Nga.

Nội hàm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol lần đầu tiên mở rộng phạm vi chiến lược của Hàn Quốc từ Bán đảo Triều Tiên sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn, đánh dấu một sự thay đổi chính sách đáng kể.

Đặc biệt, chiến lược này xác định “bất kỳ nhân tố nào thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” sẽ đều là những mối quan ngại an ninh then chốt đối với Hàn Quốc. Với phạm vi và định nghĩa mới này, chiến lược mới thúc đẩy Hàn Quốc tham dự vào nhiều vấn đề tiểu vùng mà trước đây Seoul không quan tâm, bao gồm cả vấn đề Biển Đông.

z6839696515627_3256e4a70c1b642d7457d1ae0c36ff22.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung tuyên thệ nhậm chức ngày 4/6. Ảnh: Reuters

Phù hợp với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố Tầm nhìn trở thành một "Quốc gia trụ cột toàn cầu", nhấn mạnh vai trò của Hàn Quốc với tư cách người thiết lập chương trình nghị sự trong duy trì trật tự quốc tế tự do. Tầm nhìn này đã được tái khẳng định trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2023 của chính quyền Yoon Suk Yeol.

Với tầm nhìn trở thành một “Quốc gia trụ cột toàn cầu” (Global Pivotal State), Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mô tả các quốc gia châu Âu là “đối tác chủ chốt với các giá trị chung bao gồm chủ nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền”, không chỉ thúc đẩy Hàn Quốc tăng cường liên kết với Mỹ mà còn đẩy mạnh hợp tác an ninh với châu Âu, đặc biệt là với NATO, nhằm bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Cụ thể, Hàn Quốc lần đầu tiên thành lập phái đoàn ngoại giao thường trực tại NATO, tích cực tham gia các hội nghị thượng đỉnh và ký kết các chương trình hợp tác, trong đó có “Chương trình Đối tác thiết kế riêng” - một bước đi chưa từng có đối với một quốc gia Đông Á.

Yếu tố khác biệt của chính sách đối ngoại mới

Tuy nhiên, với chính quyền mới, chiến lược này có vẻ như sẽ bị “xếp lại”. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Lee Jae-myung chưa từng nhắc đến khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Thay vào đó, ông ưu tiên khôi phục hai chính sách đã có dưới thời Tổng thống Moon Jae-in (nhiệm kỳ 2017 - 2022): Chính sách phương Nam mới (New Southern Policy) và Chính sách phương Bắc mới (New Northern Policy) - cả hai đều hướng đến một trật tự khu vực ổn định thông qua hợp tác kinh tế và đối thoại đa phương, thay vì chỉ chăm chăm vào khía cạnh an ninh.

Phương châm ngoại giao thực dụng của ông Lee Jae-myung không chỉ đơn thuần là “trung lập” giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là một nỗ lực tinh tế nhằm duy trì lợi ích quốc gia trong bối cảnh cục diện quốc tế đầy biến động. Thay vì tiếp tục mở rộng mạng lưới an ninh đối đầu với Trung Quốc và Nga, chính quyền của ông Lee Jae-myung hướng đến một cấu trúc an ninh hợp tác cả với hai quốc gia này như một phần không thể thiếu của bàn cờ khu vực.

Một trong những biểu hiện rõ nét của hướng đi này là việc ông Lee Jae myung tuyên bố trong ngày đánh dấu tròn 1 tháng cầm quyền hôm 3/7 rằng, Seoul sẽ hành động "nhanh chóng" để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và Moscow nhằm "bảo vệ hòa bình và cuộc sống của người dân", nhấn mạnh rằng “hòa bình là điều kiện tiên quyết tối thiểu cho sự ổn định và hạnh phúc của quốc gia”. Điều này được phản ánh qua phản ứng tích cực của Bình Nhưỡng trước quyết định của chính phủ ông về việc Seoul ngừng các hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Hướng đi này mở ra khả năng Hàn Quốc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Nga - hai lựa chọn từng bị coi là “tối kỵ” dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol nhưng lại phù hợp chặt chẽ với lập trường thực dụng của Tổng thống Lee Jae-myung.

Thách thức từ nội bộ

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao mới, nhất là ngoại giao nước lớn, đang khiến chính quyền Tổng thống Lee Jae-myung đối mặt với áp lực trong nước, đặc biệt từ các lực lượng bảo thủ vốn hoài nghi sâu sắc với Bắc Kinh và Moscow.

Chính sự phân cực này khiến ông Lee rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi phải vạch ra đường lối khác biệt với ông Moon Jae-in nhưng không quay trở lại di sản chiến lược của Yoon Suk-yeol. Việc ông Lee quyết định không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2025, dù đã được mời, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thay đổi định hướng. Trái lại, việc ông vẫn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7, nơi ít tập trung vào các vấn đề quân sự, cho thấy nỗ lực cân bằng giữa duy trì hình ảnh quốc tế và hạn chế tham gia vào các liên minh quân sự đối đầu.

Sự thay đổi chiến lược của Hàn Quốc cũng đang làm lộ rõ những khác biệt trong nội bộ chính phủ Lee Jae-myung, đặc biệt giữa các phe nhóm có quan điểm trái ngược về quan hệ với phương Tây, đặc biệt là NATO.

Một mặt, Cố vấn An ninh quốc gia Wi Sung-lac, người được coi là thuộc “phái liên minh” trong chính trường Hàn Quốc, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của liên minh Hàn - Mỹ, đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với NATO, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Trong khi đó, Giám đốc Tình báo quốc gia Lee Jong-seok lại đại diện cho phe “không liên kết”, coi NATO là biểu tượng của một trật tự đối đầu giữa các cường quốc, điều đi ngược với cách tiếp cận thực dụng của Tổng thống Lee.

Chính sự chia rẽ này khiến tương lai quan hệ Hàn Quốc - NATO trở nên khó đoán. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, mối quan hệ này sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn, đơn giản vì cái giá phải trả về kinh tế và địa chính trị là quá lớn.

Ràng buộc lợi ích bởi những thương vụ vũ khí

Dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho các nước NATO ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan. Đây không chỉ là thành tựu kinh tế mà còn là công cụ chiến lược, thể hiện vai trò gia tăng của Hàn Quốc trên sân khấu quốc tế.

Chính vì vậy, dù Chính quyền Tổng thống Lee Jae-myung có thể giảm mức độ hợp tác quân sự, các chuyến hàng vũ khí vẫn sẽ ra khơi, ít nhất là dưới vỏ bọc hợp tác kỹ thuật, như một phần trong chính sách “thực dụng nhưng không đối đầu”.

Tuy nhiên, điều này lại đặt ra câu hỏi: liệu có thể tiếp tục xuất khẩu vũ khí trong khi duy trì lập trường phi liên kết? Bởi trong thế giới địa chính trị, vũ khí không đơn thuần là sản phẩm thương mại, chúng là đòn bẩy chính trị và thông điệp về lập trường chiến lược.

Chính quyền Tổng thống Lee Jae-myung đang bước vào một giai đoạn tái định hình chính sách đối ngoại, từ vai trò “người dẫn dắt toàn cầu” về giá trị sang vai trò “người hòa giải khu vực” theo lối tiếp cận thực dụng. Dù điều này có thể làm dịu căng thẳng với Trung Quốc và Nga, nó cũng khiến Seoul phải tính toán kỹ hơn trong quan hệ với NATO và các nước phương Tây.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng, việc Hàn Quốc “xoay trục” không đơn thuần là lựa chọn chiến lược, mà là một ván cờ khéo léo giữa sức ép từ đồng minh, nhu cầu nội tại. Chỉ thời gian mới trả lời được liệu chiến lược thực dụng của Lee có đủ sức giữ thăng bằng cho Hàn Quốc giữa các dòng xoáy địa chính trị hay không.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Hàn Quốc: Thế cân bằng thực dụng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO