Chất lượng sống phụ thuộc điều gì?
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu ý kiến chung quanh các hệ lụy về môi trường và đời sống nhân dân liên quan quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế phát triển nhưng hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường sống… Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại chưa chủ động đưa ra đánh giá, cảnh báo và các biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Thực tế, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì môi trường sống càng bất an. Chất lượng cuộc sống hiện nay chưa tương đồng với chất lượng tăng trưởng vật chất; trong đó vấn đề lớn nhất là môi trường. Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn số liệu kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, trên 70% nhân dân quan tâm về ô nhiễm môi trường, nhiều nơi người dân bức xúc. Nêu lại những vụ ô nhiễm nước sạch, không khí xảy ra vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt câu hỏi: “Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”
“Người dân vui mừng về kết quả phát triển kinh tế nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân”. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại với thực trạng người dân nhiều địa phương đang đối diện với ô nhiễm và những hệ quả tất yếu về sức khỏe hằng ngày. Theo đó, mục đích của phát triển kinh tế là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân. Thế nhưng, việc nhân dân phải sống trong ô nhiễm, từ môi trường không khí, nguồn nước, thực phẩm cho thấy chạy theo phát triển kinh tế nóng, thiếu bền vững đã làm tổn hại môi trường, dẫn đến chất lượng cuộc sống chưa được bảo đảm.
Phát triển và tăng trưởng dĩ nhiên phải định lượng bằng con số, song cái quan trọng hơn là mọi người phải hưởng được thành quả ấy. Dù tăng trưởng của một xã hội, trên lý thuyết là tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế là tác động nhiều đến môi trường sống của con người. Tăng trưởng không thể đến mức làm hủy hoại bầu không khí, đất đai, phá rừng để phát triển công nghiệp. Đến một ngưỡng nào đó khi môi trường bị phá hủy thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa cho nên thế giới mới có “giới hạn về sự tăng trưởng” là như vậy. Nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà chúng ta không làm tốt an sinh xã hội thì đến một lúc nào đó chúng ta phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường.
Quan điểm chiến lược nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Phát triển kinh tế suy cho cùng cũng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhưng nếu phải sống trong môi trường ô nhiễm thì không sự định giá nào bù đắp được cho sinh kế, sinh mạng và giống nòi. Không thể có chất lượng sống tốt nếu cuộc sống quanh ta toàn khói bụi, tiếng ồn, ra đường bịt khẩu trang, về nhà đóng kín cửa ăn trong lo lắng, ngủ trong hoang mang…
Rõ ràng, chất lượng sống là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, không chỉ được quyết định bởi mức thu nhập, hay khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất của người dân. Chất lượng sống còn phải được bảo đảm bằng các yếu tố tinh thần, đặc biệt là các yếu tố môi trường. Do đó, cần hoàn thiện, đồng bộ trong các luật có liên quan để hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chấp thuận dự án đầu tư; khuyến khích công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; hoàn thiện cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm phải bồi thường, gây hậu quả nghiêm trọng phải truy tố trước pháp luật.