Thời sự Quốc hội

Chánh án và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh có trả lời chất vấn tại HĐND cấp tỉnh?

Hoàng Ngọc 07/05/2025 22:12

Đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 7/5, một số ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến về việc có nên giữ lại quy định chất vấn với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh tại Kỳ họp HĐND cấp tỉnh hay không?

Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND không thuộc đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND

Thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), các ĐBQH cho biết, Khoản 2, Điều 115, Hiến pháp 2013 đang quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân (TAND), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (KSND).

img_2249.jpeg
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định)

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thực tế hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về không tổ chức hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và Viện KSND khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể, nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cấp khu vực.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thấy rằng, tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND, song HĐND vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn.

Đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có TAND, Viện KSND ở địa phương) và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. Do đó, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nhất trí với đề xuất nêu trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Xem xét lại việc bỏ quy định chất vấn của HĐND với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị xem xét lại việc bỏ chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng KSND cấp tỉnh.

Theo đại biểu, ngay tại điểm c, khoản 2, Điều 66, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân trình Quốc hội vẫn quy định: Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh phải báo cáo, trả lời chất vấn trước HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu dẫn chứng, tại Nam Định, một trong 10 tỉnh, thành phố không tổ chức HĐND huyện, quận phường, khi còn công tác tại Ban Pháp chế của HĐND tỉnh, đã tổ chức đoàn giám sát toàn bộ hoạt động của Viện KSND và TAND cấp huyện.

"Với phạm vi ở Nam Định, chúng tôi vẫn giám sát, thẩm tra báo cáo của 9 huyện, không có gì khó khăn và Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh vẫn phải báo cáo, trả lời chất vấn trước HĐND cấp tỉnh và phải trả lời về hoạt động của cấp mình và cấp dưới. Trong các báo cáo của Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh đều báo cáo công tác của 2 cấp tòa, 2 cấp viện trước HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu nhấn mạnh, khi không tổ chức cấp huyện cũng giống như thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, tình huống đều là không có cơ quan trực tiếp giám sát đối với TAND và Viện KSND cấp huyện, thì bây giờ sẽ là không có cơ quan trực tiếp giám sát đối với TAND và Viện KSND cấp khu vực, do vậy, tại khoản 2, Điều 115, dự thảo Nghị quyết đề nghị vẫn yêu cầu Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh theo thẩm quyền và theo lãnh thổ phải trả lời chất vấn tại Kỳ họp HĐND cấp tỉnh.

Đại biểu cũng cho biết, tại khoản 1, Điều 5, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vẫn quy định HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước của địa phương. Cho nên, khi sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần quy định: “HĐND tỉnh, thành phố tổ chức chất vấn với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh với trách nhiệm theo thẩm quyền và theo lãnh thổ”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chánh án và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh có trả lời chất vấn tại HĐND cấp tỉnh?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO