Cẩn trọng với nợ của khu vực tư

Hà Lan 21/05/2022 05:44

Thống kê cho thấy, tổng nợ khu vực tư hiện rơi vào khoảng 138 - 140% GDP nền kinh tế. Mức này được các chuyên gia nhìn nhận là tương đối cao so với nhiều nước. Lâu nay, các thảo luận và giám sát chính sách tài chính thường tập trung vào vấn đề nợ công. Tuy nhiên, với tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng lớn của khu vực tư trong nền kinh tế, nếu khu vực này xảy ra tình trạng vỡ nợ của những doanh nghiệp có ảnh hưởng, hệ quả tiêu cực sẽ là đáng quan ngại.

Một trong những chủ đề tâm điểm được dư luận lẫn thị trường ở Trung Quốc quan tâm thời gian qua là “bom nợ” của tập đoàn đình đám Quảng Châu Hằng Đại (China Evergrande). Từ một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, tập đoàn này lâm vào cảnh khó khăn tài chính và đứng trên bờ vực vỡ nợ. Evergrande, được coi là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất, nhưng mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc, với tổng khối nợ, có thời điểm được thông tin là hơn 300 tỷ USD. Hồi tháng 12.2021, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố Evergrande đã rơi vào tình trạng vỡ nợ - một sự hạ cấp xếp hạng phản ánh việc tập đoàn không có khả năng trả lãi cho hai loại trái phiếu được định giá theo đồng USD. Thông tin tập đoàn này có thể không trả được nợ đã gây hoang mang và bất ổn đối với thị trường tài chính cũng như thị trường bất động sản toàn Trung Quốc. Xử lý bài toán nợ của Quảng Châu Hằng Đại trở thành bài toán đau đầu của nhà chức trách Trung Quốc trong suốt thời gian qua.

Trở lại với Việt Nam, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như dùng đòn bẩy tài chính đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, mức độ lành mạnh của thị trường trái phiếu và việc sử dụng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp đang dần trở thành mối lo mới của thị trường. Một loạt sai phạm của các doanh nghiệp lớn, trong đó có cả nguyên nhân từ khả năng giám sát yếu kém, thậm chí nghi ngờ có sai phạm để tiếp tay cho doanh nghiệp, đã bị phát hiện. Sai phạm trên thị trường chứng khoán của FLC, Hoàng Anh Gia Lai hay sai phạm của Tân Hoàng Minh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những ví dụ điển hình.

Sức khỏe tài chính của những người “khổng lồ” nhưng “xây nhà trên cát” cũng thể hiện trên thị trường bất động sản. Trong tuần này, cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh thông báo 2 doanh nghiệp trúng thầu đất, mỗi lô xấp xỉ 4.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm tiếp tục quá hạn đóng tiền. Điều này cho thấy tiềm lực tài chính của doanh nghiệp là không chắc chắn. Nếu những doanh nghiệp này huy động tiền qua kênh trái phiếu hoặc vay nợ, thì câu chuyện như Quảng Châu Hằng Đại hoàn toàn có thể lặp lại. Những doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thị trường nếu đổ vỡ thì rủi ro đổ vỡ dây chuyền theo hiệu ứng domino là cực kỳ đáng quan ngại.

Việc chấn chỉnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu gần đây là cần thiết. Nhưng nhìn rộng hơn, cần quan tâm và giám sát chặt chẽ toàn bộ vấn đề nợ của khu vực tư. Phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm, xử lý sớm sẽ giúp thị trường an toàn, qua đó bảo đảm ổn định vĩ mô tốt hơn.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã làm rất tốt trong việc giám sát nợ công, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Mong rằng, sắp tới, giám sát sẽ mở rộng hơn sang nợ tư và bảo đảm rằng thị trường tài chính sẽ phát triển ổn định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cẩn trọng với nợ của khu vực tư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO