Lao động thất nghiệp tham gia học nghề tỷ lệ thấp
Ngoài việc trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn được hỗ trợ học nghề. Mỗi tháng người lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Chính sách này giúp họ có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi tìm kiếm một công việc mới.
Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu học nghề thì đa số người lao động khi mất việc lại thường chọn phương án hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng BHTN ở mức cao, nhất là từ khi có dịch Covid-19 nhưng số người thất nghiệp lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo thống kê của tổ chức công đoàn, tính đến hết tháng 1.2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Ngoài số bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc nhưng vẫn có hưởng lương; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì có hơn 48.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Gần 50.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động đồng nghĩa với việc những lao động này rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Thực tế, phần lớn người lao động khi bị mất việc làm sẽ nhận một khoản trợ cấp thất nghiệp, sau đó tìm một công việc khác, số doanh nghiệp có chế độ đào tạo nghề cho người lao động còn khiêm tốn. Tính từ năm 2015 đến nay, số người có quyết định hỗ trợ học nghề gần 30,4 nghìn người/năm, chỉ chiếm 4% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng năm.
Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ là học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại…) chưa thu hút sự quan tâm cũng như hỗ trợ người thất nghiệp học nghề.
Cần có thêm chế độ hỗ trợ khi học nghề
Những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của bảo hiểm thất nghiệp cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác khiến người lao động đang gặp khó khăn càng không mặn mà.
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tâm lý chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp khi mất việc làm cần thay đổi, thay vào đó cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề. Tuy nhiên, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Từ thực tế này, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương bị và Xã hội xây dựng đề xuất bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, chính sách cũng dự kiến sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Ngoài ra, các chính sách cũng hướng đến việc tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Đó là bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn ở…) ngoài mức học phí…