Cần sòng phẳng

Nguyễn Bình 20/04/2017 07:27

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa kiến nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Một trong những lý do được đưa ra là, thịt lợn về Việt Nam thuộc diện tạm nhập tái xuất không phục vụ nhu cầu trong nước nhưng thời gian qua đã có lượng lớn hàng hóa, sản phẩm thuộc hình thức này được đưa ra thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng giá chung của thịt lợn sản xuất trong nước do không phải đóng thuế. Vì thế, mục đích của kiến nghị này được cơ quan quản lý nhà nước nêu rõ là nhằm bảo vệ thị trường trong nước, chống lây lan các loại dịch bệnh và giảm tác động đến vận tải hàng hóa.

Ngành chăn nuôi lợn nước ta đang bị thiệt hại lớn, thua lỗ nặng nề do dư thừa nguồn cung, không cạnh tranh được với thịt lợn nhập khẩu, thịt lợn thuộc diện tạm nhập, tái xuất được tuồn trái phép vào thị trường. Vì thế, dễ hiểu tại sao, kiến nghị trên đây lại được ghi nhận là khá tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì tư duy và cách thức tiếp cận như vậy đã thực sự sòng phẳng hay chưa?

Có nhiều câu hỏi cần trả lời trước khi đưa ra một đề xuất, một kiến nghị nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Ví dụ, “lượng lớn” thịt lợn, lục phủ ngũ tạng này có đủ lớn và đủ khả năng lũng đoạn thị trường trong nước hay không? Tại sao, thịt lợn, phụ phẩm thuộc diện tạm nhập tái xuất, theo quy định hiện hành phải tuân thủ những điều kiện khá nghiêm ngặt như, thời gian lưu lại Việt Nam (không quá 60 ngày, kể cả có gia hạn thêm thì cũng không được quá 30 ngày), được giám sát bởi hải quan, được kiểm tra dịch bệnh ở khu vực hải quan cửa khẩu nhập hàng, được lưu lại kho bãi của doanh nghiệp và trong trường hợp được bán tại Việt Nam thì phải thực hiện các nghĩa vụ thuế bắt buộc - nhưng lại vẫn có một “lượng lớn” được đưa vào thị trường trong nước để tiêu thụ, không phải đóng thuế và gây áp lực cạnh tranh không lành mạnh? Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào trước thực trạng trên?... Và cuối cùng, việc kiến nghị tạm dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất thịt lợn, lục phủ ngũ tạng có thực sự là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ thị trường trong nước?

Thực ra, việc kiến nghị dừng/cấm một hoạt động nào đó là một lựa chọn khá dễ dàng cho cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng chắc chắn, không phải là giải pháp căn cơ, hiệu quả trong một nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu. Giả định thế này, nếu đề xuất trên được thông qua, liệu các nước bị tác động có chọn cách thức dừng/cấm ngược lại hay thậm chí là sẽ áp dụng các rào cản kỹ thuật khắc nghiệt hơn đối với sản phẩm, hàng hóa từ Việt Nam khi muốn nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất ở nước họ hay không? Với diễn biến vừa qua thì khó mà loại trừ được khả năng này.

Có rất nhiều yếu tố quyết định tới việc các nước có công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không. Trong đó, có một nguyên tắc tưởng chừng rất đơn giản là sự sòng phẳng khi đưa ra các quy định nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước. Trong trường hợp này, thay vì kiến nghị dừng các hoạt động tạm nhập, tái xuất thịt lợn, lục phủ ngũ tạng theo kiểu mệnh lệnh hành chính, hãy xử lý thật nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị đã tuồn những sản phẩm này vào thị trường nội địa. Và, nếu hàng rào kỹ thuật có lỗ hổng khiến sản phẩm không bảo đảm an toàn, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân vẫn được nhập khẩu thì hãy bịt những lỗ hổng ấy, hãy đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn, hãy kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các tiêu chuẩn ấy. Cùng với đó là phải có một chiến lược bài bản hơn để phát triển sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần sòng phẳng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO