Quan tâm đến Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao kết quả đạt được trong năm 2024. Đây là nền tảng quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Theo đại biểu Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh), về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5% là phù hợp. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu rất quan trọng nên cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp không đưa tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền chôn trong ngân hàng nên phải có những cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực này để đưa vào sản xuất kinh doanh mới đẩy được tăng trưởng 8%.

“Vừa qua, Chính phủ đã có nghị quyết giao chỉ tiêu cho từng bộ, ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phải đạt mức tăng trưởng, nhưng các đơn vị, địa phương cũng cần phải có thêm các giải pháp đột phá, cộng dồn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu đầy thách thức này”, đại biểu Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cơ bản thống nhất với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ đưa ra, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phản ứng chính sách. Tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia trong trường hợp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng CPI, bội chi, nợ công.

Về thị trường vốn, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, hiện nay, vốn của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng, gây khó khăn cho nền kinh tế và áp lực rủi ro cho hệ thống ngân hàng do nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu ngắn hạn trong khi nhu cầu tín dụng trung dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Trong khi thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm là những thị trường chủ yếu huy động vốn trung dài hạn thì đang gặp khó khăn, không phải là kênh huy động vốn chủ yếu cho doanh nghiệp. Do vậy cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư để mở rộng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, tháng 1.2025 ghi nhận 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1.2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy các điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam thu hẹp. Do vậy, một số đại biểu đề nghị, có sự quan tâm đúng mực đối với vấn đề nợ xấu; hiện nay, đang có lỗ hổng pháp lý đối với công tác xử lý nợ xấu do Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành cũng không quy định.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, với định hướng tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và các năm tiếp theo là tăng trưởng 2 con số thì nhu cầu tăng trưởng tín dụng sẽ rất lớn, điều này vừa thuận lợi cho các tổ chức tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế song cũng tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu nếu không có cơ chế pháp lý xử lý nợ xấu phù hợp. Do vậy, đề nghị xem xét ban hành quy định về xử lý nợ xấu sớm, không để vấn đề nợ xấu trở nên "nóng" mới ban hành.