Cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy
Thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Ninh Bình, Hưng Yên, Gia Lai) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô, Tội nhận hối lộ, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Thận trọng xem xét bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội phạm thuộc hành vi nghiêm trọng hàng đầu
Thảo luận về việc xem xét bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh có khung hình phạt tử hình như đề xuất của Chính phủ, nhiều đại biểu tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc xem xét bỏ hình phạt này ở tội danh nào trong lần sửa đổi, bổ sung này cần cân nhắc kỹ, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Theo đó, đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội tham ô, Tội nhận hối lộ, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) nêu quan điểm, cần xem xét thận trọng, nhất là nhóm tội phạm thuộc hành vi nghiêm trọng hàng đầu trong nhóm tội tham nhũng, tránh gây hiểu lầm trong xã hội là chúng ta đang xem nhẹ việc phòng, chống tham nhũng.

Nêu quan điểm với tội sử dụng trái phép chất ma tuý, đại biểu Mai Khanh nêu rõ, sau 16 năm áp dụng xử phạt tội danh này theo Bộ luật Hình sự 1999, thì hiện đang có dấu hiệu rất khó xử lý với loại hình tội phạm về sử dụng trái phép chất ma tuý và hậu quả là gây mất trật tự an toàn xã hội rất lớn.
Do vậy, nếu chế tài xử lý không nghiêm và không có hình thức tốt nhất để xử lý đối tượng nghiện có thể sẽ gây hậu quả rất lớn đến trật tự an toàn xã hội và ngày càng có thêm nhiều tội phạm phát sinh từ việc nghiện ma tuý. Do vây, đại biểu Mai Khanh cho rằng, nên quy định xử lý loại tội phạm này với chế tài hình sự nghiêm khắc hơn, nghiên cứu các điều kiện cách ly đối tượng này, tạo môi trường an toàn cho xã hội và ngăn ngừa việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội, như tham ô tài sản và nhận hối lộ, song ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) cũng nêu những lưu ý về tác động của quy định này đối với dư luận xã hội và khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi, Luật hiện hành đã có Điều 51 về các tình tiết giảm nhẹ, và thực tiễn cho thấy, tỷ lệ áp dụng tình tiết giảm nhẹ rất cao. Việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh này có thể sẽ gây tác dụng ngược, cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xem xét, thông qua.
Đại biểu Siu Hương cũng cho rằng, việc bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy cần được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều trường hợp phạm tội liên quan đến ma túy là người trẻ tuổi hoặc phụ nữ. Vì vậy, cần cân nhắc giữ quy định hiện hành để bảo đảm tính răn đe của pháp luật.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), đề nghị giữ hình phạt tử hình đối với các tội tham ô, nhận hối lộ và sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Lý lẽ là bởi, các tội danh này có mức độ nguy hiểm lớn và cần hình phạt nghiêm khắc để răn đe. Đại biểu cũng đề xuất có cơ chế giảm án nếu người phạm tội khắc phục hậu quả hoặc có tình tiết giảm nhẹ.
Xem xét tăng thẩm quyền khởi tố hoặc kiến nghị truy tố với điều tra viên cấp xã
Cũng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Mai Khanh chỉ ra sự không tương thích giữa thẩm quyền của Tòa án khu vực, tòa án cấp tỉnh, viện kiểm sát khu vực và viện kiểm sát cấp tỉnh với cơ quan điều tra trong bối cảnh tổ chức lại các cơ quan tố tụng liên quan đến tư pháp.
Do Tòa án và Viện kiểm sát tổ chức theo mô hình 3 cấp, nhưng cơ quan điều tra tổ chức theo mô hình 2 cấp (cấp trung ương và cấp tỉnh). Vì vậy, cần tính toán để đưa điều tra viên cấp tỉnh về cấp xã như một giải pháp lâu dài, bởi nếu phát sinh quy trình xét xử lại với tội danh nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, thì lúc đó sẽ rất khó khăn trong việc chọn lại điều tra viên.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, đại biểu Mai Khanh đề nghị, ngành công an có thể xem xét việc tăng thẩm quyền khởi tố hoặc kiến nghị truy tố đối với điều tra viên cấp xã, thậm chí có cơ chế để biệt phái điều tra viên cấp tỉnh để giải quyết theo thủ tục tố tụng cấp khu vực mới giải quyết được vướng mắc trên khi phát sinh vụ án phải xem xét lại theo trình tự.
Đại biểu Siu Hương đồng tình với việc sắp xếp lại bộ máy, bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; đề xuất nghiên cứu phương án điều động hoặc biệt phái cán bộ điều tra cấp tỉnh để phù hợp với cơ quan tố tụng khu vực, giúp hoạt động tố tụng diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho cán bộ kiểm lâm trong dự thảo Bộ Luật. Bởi lẽ, cán bộ kiểm lâm chưa được đào tạo nghiệp vụ điều tra và việc giao nhiệm vụ này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, công tâm. Đại biểu đề xuất yêu cầu cán bộ kiểm lâm phải được đào tạo nghiệp vụ điều tra trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Cho rằng cần rà soát lại quy định về quyền hạn của điều tra viên là Trưởng/ Phó công an cấp xã, nhằm bảo đảm tính thống nhất và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, một số quyền hạn quy định trong dự thảo chưa chính xác.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đồng tình với ý kiến đề nghị dẫn chiếu trực tiếp đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; vì quy định này phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền. Đại biểu cũng đề xuất giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử các vụ án phức tạp, có ảnh hưởng lớn.
Bảo đảm tính đồng bộ giữa Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật khác
ĐBQH Nguyễn Văn Quảng (Đà Nẵng) đề xuất sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự để phù hợp với Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73 về miễn trừ trách nhiệm hình sự cho cán bộ năng động, sáng tạo. Do vậy, cần rà soát để bảo đảm sự đồng bộ giữa quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Bộ luật Tố tụng hình sự với các luật khác, đặc biệt là Điều 128 và Điều 129 liên quan đến kê biên và phong tỏa tài sản.

Đại biểu Nguyễn Văn Quảng cũng đề nghị rà soát lại việc liệt kê chi tiết chức danh tiến hành tố tụng tại khoản 2 Điều 35 dự thảo Bộ luật. Vì việc liệt kê cụ thể các chức danh có thể dẫn đến lạc hậu do chúng ta đang tiến hành sắp xếp các cơ quan, đơn vị. Đại biểu đề xuất quy định theo hướng người đứng đầu và cấp phó của cơ quan tiến hành tố tụng, còn chi tiết chức danh cụ thể sẽ quy định trong văn bản hướng dẫn.
Liên quan đến sửa đổi một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu vấn đề, định hướng sửa đổi Luật này đang theo hướng bảo vệ cho các tổ chức tín dụng, nhưng thiếu cơ chế bảo vệ bên đi vay là bên có tài sản bảo đảm.

Để bảo đảm hài hòa và cân bằng hơn, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị, Chính phủ và cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều khoản liên quan đến bảo vệ bên vay. Bởi, với nội dung này, nếu xử lý không khéo, thì nguy cơ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ là đối tượng bị thu hồi tài sản, ảnh hưởng đến niềm tin của khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng cũng như việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên đã đề ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực về lĩnh vực này theo hướng công khai, minh bạch hơn.