Quốc hội và Cử tri

Cần có sự giám sát, đồng hành của HĐND với UBND

Nguyễn Vũ lược ghi 15/05/2025 15:32

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Chín, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến chính quyền địa phương 2 cấp, tránh bỏ sót, chồng chéo, ảnh hưởng đến tính thông suốt của chính quyền địa phương, hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai):
Tăng cường khả năng hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp cơ sở

Tôi đề xuất tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại Chương IV của dự thảo Luật, để thể hiện rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã và tiếp tục làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể ở trong Chương IV.

gs-t4-.jpg
Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường. Tuy nhiên, đề nghị cần thiết phải làm rõ thêm các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND và bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là những quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư… Đồng thời, tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách cũng như khả năng hoạt động giám sát của HĐND, nhất là HĐND cấp cơ sở. Hiện nay, khối lượng nhiệm vụ của UBND rất lớn, mấy chục nhóm của cấp xã, phường. Nếu chúng ta không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND, nhất là tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách sẽ rất khó phát huy quyền, nghĩa vụ của cơ quan dân cử với người dân địa phương.

Liên quan đến khoản 4 Điều 11, khoản 15 Điều 16 và khoản 19 Điều 17, tôi đồng tình với việc nên giữ lại những nội dung của khoản 15 Điều 16 và khoản 19 Điều 17. Đặc biệt, khoản 4 Điều 11 thể hiện một tinh thần rất mới, những việc gì tốt nhất cho người dân, cho sự phát triển chính quyền thì chúng ta ủng hộ việc phân cấp, phân quyền và làm bằng được, còn những việc nào khó, có khả năng gây rủi ro thì hết sức tránh.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều này, đề nghị bổ sung một ý vào khoản 4 Điều 11 theo hướng, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, thì UBND, Chủ tịch UBND có thể trực tiếp làm những việc của cấp dưới hoặc của UBND cấp xã, và làm rõ trong trường hợp cần thiết nào.

Về điểm c khoản 3 Điều 29, dự thảo Luật quy định Trưởng ban HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách. Với quy định này, hiện nay đối với HĐND cấp xã chỉ có 3 đại biểu HĐND chuyên trách và nhiều đại biểu kiêm nhiệm. Đề nghị phải nâng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là cấp cơ sở. Với khối lượng công việc rất lớn của UBND như vậy, chúng ta cần có sự giám sát, đồng hành của cơ quan dân cử là HĐND ở địa phương.

ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam):
Quy định rõ cách thức, điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là dự luật quan trọng, sửa đổi toàn diện về tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy, hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện trước đây, tránh bỏ sót, chồng chéo, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như quyền, lợi ích, hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

gs-t4-a2.jpg
Ảnh: Hồ Long

Về đơn vị hành chính tại khoản 1 Điều 1, dự thảo Luật quy định: “Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp gồm có:

a. Tỉnh, thành phố gọi chung là cấp tỉnh;

b. Xã, phường, đặc khu gọi chung là cấp xã”

So với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, điểm a khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “trực thuộc” địa phương sau tên gọi tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tên gọi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện vẫn được thể hiện trong khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 và vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong các nghị quyết, kết luận của Đảng, như Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII cũng quy định rất cụ thể về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó cấp tỉnh là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và rà soát bảo đảm tính thống nhất giữa quy định của dự thảo luật đối với Hiến pháp, các văn bản có liên quan của Đảng, Nhà nước, các luật hiện hành và các dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết đang được sửa đổi.

Về phân quyền, khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật quy định: UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương. Tôi nhất trí với quy định này. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định về việc xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm xem xét, giải quyết của Chính phủ sau khi nhận được đề xuất của UBND tỉnh về phân quyền như quy định tại khoản 6 Điều 13 dự thảo Luật về phân cấp, để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, thuận lợi trong thực tiễn thực hiện.

gs-t4-a6.jpg
ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Về ủy quyền, tại điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật quy định: việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền, văn bản ủy quyền phải xác định cụ thể nội dung, phạm vi và thời gian ủy quyền, cách thức thực hiện và những điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Tuy nhiên, tại Khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật quy định, cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận ủy quyền có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền điều chỉnh nội dung phạm vi, thời hạn ủy quyền không được ủy quyền tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được ủy quyền.

Như vậy, việc điều chỉnh chỉ thực hiện về nội dung, phạm vi, thời gian ủy quyền mà không quy định việc điều chỉnh cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ủy quyền. Đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 14 theo hướng cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị điều chỉnh tất cả các nội dung của văn bản ủy quyền để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Trong đó, quy định cả về cách thức thực hiện và các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang):
Thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cấp xã

Tôi thống nhất cao với việc sửa đổi cơ bản toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

gs-t4-a3.jpg
Ảnh: Lâm Hiển

Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương tại Điều 11, thực tế cho thấy, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính cấp xã khiến khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là một sự thay đổi lớn trong năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp cần có thời gian để kiện toàn và rất cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát, có giải pháp kịp thời để hỗ trợ xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số đơn vị hành chính cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chính vì vậy, tôi thống nhất việc bổ sung khoản 4 Điều 11 của dự thảo luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết có thể thực hiện chỉ đạo, điều hành và giải quyết một số vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình và UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Theo Báo cáo giải trình ngày 13/5/2025 của Chính phủ cũng cho rằng, nội dung quy định này bảo đảm thống nhất với quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình thực tế hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoặc giao Chính phủ hướng dẫn, quy định rõ và chặt chẽ hơn nội dung trong trường hợp cần thiết là như thế nào để thuận lợi hơn cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh. Đồng thời cũng bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã trước mắt cũng như lâu dài.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh):
Đề nghị bổ sung trường hợp Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND

Điều 13, Điều 14 dự thảo Luật quy định cụ thể về chủ thể được phân cấp, ủy quyền và chủ thể nhận phân cấp, ủy quyền. Qua ý kiến thảo luận tại tổ, cơ quan soạn thảo đã dự kiến tiếp thu, bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh được phân cấp, ủy quyền cũng như bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho công chức thuộc UBND cấp xã, nhất là ủy quyền cho công chức tư pháp trong lĩnh vực chứng thực.

gs-t4-a4.jpg
Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, so với các quy định hiện hành vẫn còn thiếu trường hợp Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND. Theo khoản 3, Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, người đứng đầu chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng nhưng tại khoản 6 Điều 40 dự thảo Luật hiện chỉ quy định Chủ tịch UBND phân công cho Phó Chủ tịch UBND. Vì vậy, đề nghị bổ sung chủ thể Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND.

Để tránh bị sót đối tượng, đề nghị bổ sung vào cuối đoạn 1 khoản 1 Điều 13 và cuối đoạn 1 khoản 1 Điều 14 cụm từ "hoặc pháp luật khác có quy định phân cấp, ủy quyền khác với quy định của luật này".

Tôi đề nghị rà soát thêm điểm c khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật. Tại điểm c khoản 1 Điều 15 quy định, HĐND tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt chưa được quy định trong pháp luật sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Trong khi đó, tại điểm a khoản 2 quy định HĐND tỉnh được quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích. Với 2 quy định nêu trên, thực tiễn triển khai sẽ có lúng túng khi xác định các chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích. Tại điểm a khoản 2 có phải là chính sách đặc thù đặc biệt theo điểm c khoản 1 hay không? Để xác định địa phương có phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, quy định rõ hơn để thống nhất trong việc áp dụng.

gs-t4-a5.jpg
ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Lâm Hiển

Về khoản 2 Điều 29 dự thảo Luật quy định: "Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu chuyên trách thì HĐND có 01 Phó Chủ tịch HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu không chuyên trách thì HĐND có 2 Phó Chủ tịch HĐND". Đây là quy định hiện hành và tại thời điểm thông qua là thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 3 cấp và chưa thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến nhiều địa phương sẽ sáp nhập với quy mô dân số và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng dự thảo Luật quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh giống nhau trong cả nước là từ 1 - 2 Phó Chủ tịch HĐND, thì cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nội dung này cũng chưa thống nhất với cách quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND tại khoản 4 Điều 39 là giao cho Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND phù hợp với quy mô của từng đơn vị hành chính.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cần có sự giám sát, đồng hành của HĐND với UBND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO