Thế nào là quản trị đô thị thông minh và bền vững
Đô thị thông minh được sử dụng với nhiều cách gọi khác nhau như: Đô thị thông minh (Smart City), Đô thị kết nối (Wired City), Đô thị bền vững (Sustainable City), Đô thị kỹ thuật số (Digital City), Đô thị hiện đại (modern city)...
Quản trị đô thị thông minh và bền vững là ngành học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ứng dụng các yếu tố công nghệ vào quản trị đô thị từ những giải pháp thông minh để kiến tạo sự bền vững, đề cao giá trị cuộc sống con người, môi trường.
Điểm khác biệt giữa ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững với các ngành Đô thị học hay quy hoạch cơ bản là yếu tố “thông minh và bền vững”, “quản trị”.
Đô thị thông minh hướng tới phát triển bền vững phải có công nghệ và sự kết nối. Quản trị đô thị thông minh và bền vững, là quản trị các hoạt động liên quan tới công nghệ và kết nối tại các thành phố/đô thị thông minh. Sự gắn kết của hai yếu tố nhằm đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm tài chính cho chính quyền và bảo toàn lợi ích cho cư dân trong đô thị thông minh.
Sinh viên được trang bị tư duy tổng thể về quản trị đô thị
Trong chương trình đào tạo của ngành quản trị đô thị thông minh, sinh viên sẽ được học các khối kiến chung về đô thị, quy hoạch, kinh tế, xã hội, văn hóa, quản lý, hệ thống thông tin, đánh giá dự án và các khối kiến thức tự chọn phong phú và thực tiễn như: Môi trường, tư duy thiết kế, xã hội học, ngôn ngữ lập trình, big data, khởi sự kinh doanh, quản lý khu phức hợp…
Sinh viên được xác lập năng lực tư duy và khả năng tác nghiệp trong thực tiễn quản trị đô thị gắn với chuyển đổi số và phát triển bền vững với tiếp cận liên ngành. Bên cạnh đó được trang bị kiến thức nền tảng về đô thị, quản trị, công nghệ thông tin, văn hóa, xã hội; khả năng sử dụng hợp lí các nền tảng công nghệ, phương pháp, công cụ trong quản trị đô thị theo hướng bền vững.
Tham gia tư vấn trong các khâu quản lí và quy hoạch đô thị theo hướng phát triển hài hòa giữa tiềm lực của đô thị, bối cảnh văn hóa – xã hội, mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu của con người; khả năng cập nhật, bắt kịp các xu thế phát triển của đô thị và thích ứng linh hoạt trong bối cảnh bất định; Khả năng kết nối và huy động sự tham gia và triển khai các ý tưởng mang tính sáng tạo, khởi nghiệp liên quan đến đô thị; Khả năng ứng biến linh hoạt trong môi trường đa văn hóa; Khả năng hội nhập quốc tế...
Cơ hội việc làm của ngành quản trị đô thị thông minh
Việc phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo thống kê tại “Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023”, tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã có tới 48 tỉnh thành triển khai đề án đô thị thông minh, điều đó chứng minh tính cấp thiết của xu hướng phát triển đô thị thông minh trên cả nước.
Ngành Quản trị đô thị thông minh phù hợp với những người có các đặc điểm sau đây: đam mê nghiên cứu và phát triển đô thị; đam mê công nghệ về đô thị; tư duy logic và phân tích; tính sáng tạo và khả năng tư duy đổi mới; tính cầu tiến và muốn tìm hiểu kiến thức mới.
Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo ngành Quản trị đô thị thông minh và bền vững có thể làm việc ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và khối phi chính phủ. Có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm 1, chuyên viên quản trị đô thị; chuyên viên tư vấn dự án đô thị; chuyên viên tư vấn thiết kế đô thị thông minh; chuyên viên quản lý môi trường đô thị; chuyên viên phân tích dữ liệu đô thị; chuyên viên quy hoạch đô thị; chuyên viên nghiên cứu đô thị thông minh và bền vững.
Nhóm 2, quản lý dự án xây dựng đô thị; quản lý phát triển đô thị thông minh; quản lý rủi ro đô thị; kinh doanh, khởi nghiệp về đô thị và dịch vụ đô thị; nghiên cứu viên, giảng viên tại các viện nghiên cứu, trường đại học về đô thị.
Học ngành Đô thị thông minh ở đâu?
Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình Quản trị đô thị thông minh và bền vững, mang tính liên ngành, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để quản lí đô thị theo hướng tích hợp, bền vững với các khối kiến thức trụ cột như: Nền tảng cho quản lí phát triển đô thị, các vấn đề quản lí đô thị, nền tảng công nghệ trong quản lý đô thị, công nghệ ứng dụng trong phát triển đô thị bền vững, các kỹ năng và thực hành quản lí phát triển đô thị.
Chương trình gắn với nhu cầu cao về nhân lực quản lí đô thị, về khoa học quản lí tổng hợp đô thị từ góc độ công nghệ thông minh và góc độ bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội cho vận hành đô thị, hướng tới phát triển đô thị đáng sống.
Mức lương của một chuyên viên về đô thị thông minh dao động ở mức từ 7-10 triệu đồng/tháng đối với sinh viên mới ra trường. Trở thành kỹ sư về đô thị thông minh có thể nhận mức đãi ngộ tốt hơn, dao động từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng.
Năm 2024 Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật tuyển sinh ngành này theo các khối A và D (A00, A01, D01, D03, D04, D07) với chỉ tiêu là 100. Điểm trúng tuyển của ngành này năm ngoái là 24.65 với khối D04.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có chương trình Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, giảng dạy kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường đô thị; quản lý bất động sản nhà, đất tại đô thị.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh có chương trình Cử nhân Đô thị học, đào tạo các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về đô thị học trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.