Sáng 17.12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc Triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành.
Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; cùng các Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Cùng dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương và Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự toàn quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhắc đến giải Nobel Kinh tế 2024 dành cho 3 nhà khoa học kinh tế người Mỹ; xuyên suốt khẳng định vai trò của thể chế trong quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia, dân tộc và quyết định giảm khoảng cách giàu – nghèo.
Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đều khẳng định thể chế là một trong ba đột phá. Chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng tiếp tục củng cố ý này và sẽ có một số điểm nhấn, đột phá hơn, Phó Thủ tướng thông tin, đồng thời khẳng định Chính phủ cũng xác định rõ việc này, khi trong năm 2024 đã tổ chức 31 phiên họp riêng về xây dựng pháp luật; xem xét cho ý kiến thông qua hơn 110 đề nghị xây dựng luật và các dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 52 dự án luật...
Ghi nhận kết quả của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới một số kết quả quan trọng. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 3 đạo luật về Đầu tư công; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; xuất phát từ Tổ công tác rà soát do Bộ Tư pháp làm thường trực.
Bộ cũng đã thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023)…
Dù vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động của ngành vẫn còn một số hạn chế, như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành còn chậm. Trong một số trường hợp, một số cán bộ công chức có tình trạng né tránh trách nhiệm, tham mưu không rõ ràng…
Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, Phó Thủ tướng lưu ý, có 3 việc cần làm cùng một lúc. Đó là chuẩn bị nội dung, nhân sự để Đại hội Đảng các cấp; đạt mục tiêu tăng trưởng trên 7%; sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Để triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp (Kết luận số 108-TB/VPTW ngày 18.11.2024), Bộ Tư pháp đã có kế hoạch thực hiện. Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tư pháp sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; cần cố gắng xây dựng quy trình dân chủ, có sự đóng góp của các thế hệ, các tầng lớp, các cơ quan, bộ ngành để làm chỉ thị cho tốt.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung pháp luật gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng lưu ý cần tổ chức thi hành nghiêm túc, kịp thời, không được sai; xác định rõ sau khi sắp xếp thì có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phải bảo đảm cho nền hành chính được vận hành không bị gián đoạn, đặc biệt trong giai đoạn giao thời chuyển đổi, kể cả các việc về tố tụng, xử phạt vi phạm hành chính…
Liên quan phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng đề nghị, với hai luật về tổ chức, Bộ Tư pháp cần cân nhắc xem trình khi nào cho phù hợp, trong đó xử lý được việc gì với tính chất khung, nền tảng và xử lý các luật chuyên ngành đến đâu; cái gì làm trước, cái gì làm sau. Muốn vậy, “Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tư pháp cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn; đầu tiên phải có định hướng hướng dẫn, nhưng quan trọng nhất là xác định được đề bài đặt ra, tính việc gì khả thi, cần làm trước trong giai đoạn này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan chuyển đổi số, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm chuyển đổi số; xác định đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt, tròn vai các chức năng, nhiệm vụ hiện đang đi theo hướng dân sự của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp.
Mặc dù Bộ Tư pháp không nằm trong diện hợp nhất với bộ, ngành khác, song Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần sắp xếp, tổ chức bên trong phải giảm, với chỉ tiêu đặt ra là khoảng 15 – 20%, không tính các đơn vị sự nghiệp công lập. Khẳng định việc này sẽ không thể tránh khỏi tâm tư trong cán bộ, công chức, người lao động, song Phó Thủ tướng nêu rõ, về mặt hành chính, chúng ta phải sắp xếp để không ghép cơ học, cùng với hoàn thành về mặt thể chế thì có thể thực hiện các nhiệm vụ mà không bị gián đoạn.
Nhấn mạnh bản chất của công tác tư pháp là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đặc biệt sự phối hợp ở cấp địa phương hết sức quan trọng, kể cả trong thi hành án dân sự, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có sự chia sẻ với Bộ Tư pháp. Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chia sẻ hơn nữa để hỗ trợ ngành Tư pháp và Thi hành án dân sự hoàn thành việc chung của đất nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả trong Bộ và toàn ngành, nhằm chuyển đổi tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp cũng như yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới đối với nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp ngày càng cao hơn.
“Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước trong thời gian tới; tạo đột phá để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cam kết.