Chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
Phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hoạt động giám sát tiếp công dân vẫn chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện trách nhiệm tiếp công dân. Theo đại biểu, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có nêu rõ: "Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của HĐND, đại biểu HĐND trong việc thực hiện chức năng giám sát; của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo...". Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về giám sát tiếp công dân vào dự thảo luật nhằm bảo đảm tính kịp thời, chính xác, phát huy chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng liên quan đến dự án luật này, các ĐBQH thành phố Hà Nội đã tập trung cho ý kiến về các nội dung còn ý kiến khác nhau như: về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát; về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, một số ý kiến không tán thành việc luật hóa nội dung này vì cho rằng đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điều 30 và Điều 31 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 quy định Ban Dân nguyện có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát này.
Đáng chú ý, một số đại biểu cho rằng, việc không bổ sung nội dung này cũng bảo đảm tính thống nhất, vì ngoài các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ban Dân nguyện, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo không đề xuất bổ sung, định danh trong dự thảo. Việc không bổ sung nội dung này là phù hợp với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp.
Đào tạo nhân lực hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các ĐBQH thành phố Hà Nội thống nhất đánh giá việc sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.
Theo đánh giá của ĐBQH Nguyễn Thị Lan, nội dung của dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều định hướng trong văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ thời gian để cập nhật thông báo về tiêu chuẩn cơ sở trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, cần công bố tiêu chuẩn này trước khi sản phẩm hàng hóa được đưa ra thị trường, nhằm phục vụ công tác hậu kiểm chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung định nghĩa nội hàm về đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn cơ sở, bởi trên thực tế rất khó thực thi, dễ làm phát sinh thủ tục hành chính mới và không phù hợp với thông lệ quốc tế và không mang lại lợi ích thực tiễn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét kỹ quy định về đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn tốt hơn.
Về nhân lực hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho biết, các quốc gia phát triển rất coi trọng việc công bố và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chú trọng về nhân lực cho lĩnh vực này. Trong khi đó, dự thảo Luật chưa đề cập nhiều đến tiêu chuẩn về nguồn nhân lực, các chuyên gia, nhân lực để đạt được tiêu chuẩn quốc tế. "Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư, dành nguồn lực để xây dựng nguồn nhân lực phục vụ việc hội nhập quốc tế, nhằm đặt ra ngưỡng để có chuẩn hàng hóa tốt hơn", ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề xuất.
Một số ý kiến khác của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy, đóng góp cho việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần thiết lồng ghép việc giảng dạy, đào tạo phù hợp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học để thấy được tầm quan trọng và hiểu biết thêm về những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.