Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Căn cứ Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7.7.2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Thông báo số 3525/TB-TTKQH ngày 22/04/2024 kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo.
Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo nêu trên để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong thời gian 60 ngày.
Ý kiến góp ý xin gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, số 35 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) hoặc gửi vào email: nguyenhuong//moet.gov.vn.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.
Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà giáo góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dự thảo luật cũng quy định chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Cụ thể:
Thứ nhất, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; huy động các nguồn lực xã hội cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Thứ hai, Nhà nước tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, coi trọng nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo.
Thứ tư, có chính sách ưu đãi để nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; chính sách thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt, nhà giáo là người dân tộc thiểu số;
Chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu.
Thứ năm, có chính sách phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Thứ sáu, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phát triển một số trường sư phạm trọng điểm.
Thứ bảy, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về nhà giáo.