Nhiều kiến nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão lũ
Ngày 14.10 vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe nông dân nói”.
Trải qua 12 năm thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, trong đó có 9 lần tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia, Công ty CP Phân bón Bình Điền luôn là nhà tài trợ chính duy nhất và là đồng tổ chức chương trình.
Sau 4 giờ làm việc của Diễn đàn, nhiều đại biểu nông dân xuất sắc và HTX tiêu biểu đặt câu hỏi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cùng những trăn trở, kiến nghị, tập trung vào những vấn đề lớn như: việc tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai do cơn bão số 3 Yagi và lũ lụt vừa qua, trong đó nổi lên những vấn đề như hỗ trợ về cây giống, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, nhất là cần tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và cho vay nguồn vốn mới đối với những nông dân bị thiệt hại trực tiếp từ bão lũ, giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất...
Bên cạnh đó là những vấn đề về cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net zero; vấn đề về quy hoạch sản xuất, nhất là tạo chính sách tạo điều kiện cho sản xuất lớn. Nhiều nông dân cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên nông dân, trong đó các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thông qua các hoạt động của hội nông dân các cấp, về tiếp tục đổi mới hình thức sinh hoạt của hội viên, như thành lập các câu lạc bộ nông dân, phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp làm cơ sở, nền tảng để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; vấn đề về hỗ trợ, xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số…
"Hợp tác xã, hợp tác xã, hợp tác xã"
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Diễn đàn. Ông Lê Minh Hoan cho rằng, nông dân đang khó ở cả hai đầu, đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm bởi sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún. Nó làm cho chi phí đầu vào tăng cùng với khó khăn và tắc nghẽn đầu ra của sản phẩm sản xuất được. Thói quen mua chịu vật tư đầu vào tại các đại lý làm cho giá vật tư luôn cao, đến khi thu hoạch sau khi trả hết nợ, người sản xuất không còn được bao nhiêu. Nếu có hợp tác xã, nông dân sẽ nhận được vật tư đầu vào với giá sỉ, đầu ra sản phẩm lại có nơi bao tiêu, không sợ bị ép giá.
Theo Bộ trưởng, người nông dân phải thay đổi. Không thay đổi thì không có cơ hội phát triển được. Trước đây nói con trâu là đầu cơ nghiệp thì bây giờ điện thoại thông minh là đầu cơ nghiệp của người nông dân. Hợp tác xã đơn giản là tinh thần hợp tác. Các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu phải là hạt nhân lan tỏa tinh thần hợp tác xã để đưa sản xuất nông nghiệp thoát khỏi rào cản manh mún, nhỏ lẻ.
"Đã đến lúc ta không thể nghĩ như cũ, phải thích ứng, chủ động thích ứng với mọi sự biến đổi để thay đổi. Phải chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp: Sản xuất cho ai? Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Người tiêu dùng đang mua cái cách người sản xuất tạo ra sản phẩm có bền vững không? Phải hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính để có nền nông nghiệp bền vững", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.