Bình đẳng “trắng - xanh”
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký, cấp biển số 80A, 80B cho xe của doanh nghiệp. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu Bộ nghiêm túc thực hiện việc cấp biển số ô tô ký hiệu 80, theo nguyên tắc chỉ cấp cho các cơ quan Trung ương, một số ban, bộ, ngành; xe phải mua sắm có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; tuyệt đối không cấp biển số ô tô ký hiệu 80 cho doanh nghiệp, bất kể loại hình nào. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa đổi Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4.4.2014 quy định về đăng ký xe; giao Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B của 516 xe đã cấp cho các doanh nghiệp…
Như vậy là đã rõ: Có vi phạm trong việc cấp biển số ký hiệu 80 và thực tế không phải đến giờ, những lùm xùm xung quanh việc cấp biển số nói chung, biển xanh nói riêng mới được đề cập đến. Dư luận chắc chắn chưa quên việc cấp biển xanh không đúng quy định xảy ra tại Hậu Giang. Sau khẳng định của cơ quan chức năng rằng việc cấp biển số là đúng, là không có gì sai, cuối cùng biển số đó cũng bị thu hồi. Hay như chuyện ở Thanh Hóa, một doanh nghiệp cũng được cấp biển số 80. Việc này là đúng hay sai chỉ được đề cập đến khi chiếc xe này gây tai nạn. Còn tại Hà Nội xảy ra chuyện một chiếc xe mang biển số 80B ngang nhiên đi vào đường cấm. Đây là minh chứng về sự bất bình đẳng giữa công và tư; giữa Nhà nước và người dân trong việc cấp biển số và lưu thông trên đường.
Ở khía cạnh pháp luật, rõ ràng đó là sự vi phạm, cần thiết phải xử lý nghiêm. Theo quy định, mọi phương tiện khi lưu thông trên đường đều phải có biển kiểm soát. Và dù mang biển kiểm soát màu trắng, xanh hay đỏ đều phải chấp hành các quy định về giao thông và các luật khác có liên quan. Thế nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Có nhiều cách “ứng xử” khác nhau khi vi phạm, tùy thuộc xe đó mang biển kiểm soát màu gì. Thường thì xe biển xanh, biển đỏ khi vi phạm dễ được “bỏ qua”, thậm chí không dám xử lý, hoặc có xử lý (dù là rất ít) thì cũng nương nhẹ hơn rất nhiều so với xe biển trắng. Đó là thực tế không thể né tránh. Và cũng bắt nguồn từ đây nảy sinh tâm lý “sính” biển xanh, bằng mọi cách phải có - bởi vậy mà dẫn đến việc cấp biển số sai quy định, thậm chí không loại trừ việc lợi dụng để trục lợi.
Việc đích thân Thủ tướng phải chỉ đạo chấn chỉnh và thu hồi hơn 500 biển số ký hiệu 80 đã cấp cho thấy sự việc không còn đơn giản là ngăn ngừa, giải quyết tình trạng nể nang, xin cho trong việc cấp biển số xe mà là tuân thủ pháp luật. Cần thiết phải chấn chỉnh lại việc này, bởi càng là cơ quan nhà nước, những người có thẩm quyền, làm việc trong cơ quan nhà nước càng phải chấp hành tốt hơn, nghiêm hơn các quy định pháp luật. Không thể đứng trên pháp luật bởi bất cứ lý do gì. Quan trọng nữa là phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Động cơ cấp biển số sai quy định là gì và sẽ xử lý ra sao?
Chắc chắn rằng sẽ không còn tình trạng bằng mọi giá, mọi cách phải “kiếm” cho được biển xanh nếu xe mang biển số xanh và trắng được “đối xử bình đẳng” và các quy định về cấp biển số được tuân thủ nghiêm minh.