Ngày 11.3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 1812/UBND-LN liên quan đến Dự án sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) của Công ty TNHH Acteam International (Công ty Acteam International).
UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Tài chính, UBND huyện Đơn Dương và cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Sở NN-PTNT tại Văn bản số 230/SNN-KL.
Trước đó, ngày 1.2.2024, Sở NN-PTNT có Văn bản số 230/SNN-KL về việc xử lý đối với diện tích rừng bị mất trong quá trình thực hiện dự án của Công ty Acteam International.
Theo đó, tổng diện tích kiểm kê hiện trạng tài nguyên rừng gần 649,8ha của Công ty Acteam International được UBND tỉnh thu hồi và cho thuê để làm dự án trên. Hiện trạng tài nguyên rừng trên diện tích kiểm kê gồm: đất có rừng: 533ha (430 ha rừng tự nhiên; 102,5 ha rừng trồng); đất chưa có rừng: 116,7 ha.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, qua so sánh biến động trạng thái rừng giữa 2 lần kiểm kê (năm 2007 tại Văn bản 1421/TĐ-SNN ngày 13/7/2007 và năm 2022 tại Văn bản số 2687/TĐ-SNN) trên diện tích đất thuê, diện tích đất có rừng giảm khoảng 43,3ha. Trong đó, diện tích rừng bị mất được cơ quan chức năng xử lý khoảng 2,8ha; diện tích rừng bị giảm đề xuất không xử lý hơn 2,9ha; diện tích mất rừng chưa được xử lý hơn 37,5ha.
Theo văn bản của Sở NN-PTNT, Công ty Acteam International nhận thiếu sót do không đảm bảo thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định trên phần diện tích 7,1ha; phần diện tích còn lại 30,4ha thuộc hạng mục quản lý bảo vệ rừng, Công ty Acteam International kiến nghị cơ quan chức năng rà soát lại.
Đánh giá vụ việc mất rừng xảy ra tại dự án đầu tư của Công ty Acteam International, Sở NN-PTNT cho rằng, qua tài liệu thu thập và kết quả làm việc, xét thấy việc Công ty Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng. Trong diện tích rừng bị mất có hơn 11,5 ha rừng phòng hộ (gấp hơn 30 lần mức xử phạt vi phạm hành chính); thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017.
Do vậy, vụ việc có dấu hiệu tội Hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên vụ việc cần phải xem xét, đánh giá đề xuất hướng xử lý, vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa đảm bảo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Từ kết quả trên, Giám đốc Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án; sau thanh tra sẽ có kiến nghị, đề xuất xử lý.