Đổi mới sự phát triển lý luận - 35 năm nhìn lại và thách thức:

Bài cuối: Mở tầm viễn kiến, hoạch định chiến lược phù hợp với thế giới

- Thứ Ba, 04/10/2022, 05:54 - Chia sẻ

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Từ lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, nhất là gần 100 năm nay, càng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và bằng mọi giá kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào từ bên ngoài trong cuộc hội nhập quốc tế, trên con đường phát triển đất nước thịnh vượng và nhân văn… 

Đó là nghệ thuật phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc trong sự thống nhất nhưng đa dạng của thế giới vừa bảo đảm sự tự chủ và quyền tự quyết vừa chủ động hội nhập quốc tế. Độc lập chính là nghệ thuật hành động trong ngọn gió thời đại và hội nhập quốc tế một cách khôn khéo; hội nhập là nghệ thuật nắm lấy tinh thần phát triển và lực lượng của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết và tự do của Tổ quốc trên con đường vươn tới hùng cường hòa nhịp trong dòng chảy của chỉnh thể thời đại ngày nay.  

Con người thật sự phải là trung tâm của chủ nghĩa xã hội

Với tư cách là một bộ phận máu thịt của nhân loại tiến bộ, chúng ta phải phát triển đất nước Việt Nam trở nên hùng cường và thấm đẫm nhân văn. Tiếp tục kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam chủ động và tích cực hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình vì một thế giới văn minh và tiến bộ. Càng gìn giữ vững chãi nền độc lập, thống nhất càng phải chủ động hội nhập quốc tế một cách đa dạng và tự chủ. Đó con đường sống và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là hai cái cánh của Việt Nam trên lộ trình gắn kết độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế hiện nay!  

Từ toàn bộ những điều đó, tối thiểu sẽ dẫn tới mấy vấn đề cơ bản sau đây trong việc tiếp tục nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng(25):                     

Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài và đầy phức tạp, thậm chí có những khúc quanh, những khúc thất bại tạm thời. Phải nhấn mạnh điều này để khắc phục các thái độ bi quan, “lạc quan tếu” hoặc giáo điều trong nghiên cứu và trong hoạt động thực tiễn. Chủ nghĩa tư bản đã mất cả trăm năm để hình thành và phát triển như ngày nay. Chủ nghĩa xã hội - một hình thái cao hơn chủ nghĩa tư bản - liệu có thể giải quyết được nhiệm vụ của mình trong mấy chục năm không? Chắc chắn là không!

Hơn nữa, tính chất lâu dài và phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội lại nằm ngay trong mục tiêu cơ bản của nó. Tính chất này còn bị quy định bởi loạt yếu tố khác như điểm xuất phát của các nước, trong đó có nước ta, đi lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm rất thấp và thậm chí quá thấp. Đó còn chưa kể đến việc phải “làm thử”, “làm đi làm lại”, phải bắc những “chiếc cầu nhỏ”, hàng nghìn bước trung gian có tính “quá độ”, như V.I. Lênin nói. Cho nên, cần phải dự báo hoặc phác thảo một cách khoa học không chỉ những chặng đường, bước đi, những thời kỳ, giai đoạn mà còn chuẩn bị những điều kiện cần và đủ một cách phù hợp trong tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, việc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng trở nên bức bách. Đây chính là vấn đề tính thống nhất và tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội. Cần phải thúc đẩy sự phát triển độc lập của chủ nghĩa Mác ở từng nước. Các nước XHCN đều có mục tiêu chung, nhưng mỗi nước đi tới mục tiêu chung đó lại hoàn toàn không giống nhau vì con đường riêng ấy phải phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội ở mỗi nước. Trước đây, chúng ta thường nhấn mạnh một chiều tính thống nhất mà xem nhẹ tính đa dạng. Do vậy, cùng với việc chuẩn hóa lại các quy luật chung, rất cần đề cập đến và xác lập các “dung mạo”, các “đặc sắc” cụ thể và các tính quy luật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống ở phương Tây... Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ba là, một trong những tiền đề quan trọng nhất để biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng thành hiện thực chính là phải xây dựng một nền kinh tế năng động và hiện đại. Đây cũng chính là một mục tiêu trước mắt của chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện này, cả lý luận và thực tiễn đang cấp bách đòi hỏi giải quyết hàng loạt vấn đề: Chủ nghĩa xã hội có tương hợp với kinh tế thị trường không? Sự điều tiết của Nhà nước XHCN đối với nó như thế nào? Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong điều kiện đó ra sao? Nhà nước pháp quyền XHCN là như thế nào? Về quan niệm những giá trị nhân loại chung và việc chúng ta thâu thái, sử dụng những giá trị của nhân loại trong chủ nghĩa tư bản vì chủ nghĩa xã hội như thế nào? Vấn đề an ninh sinh thái và sự phát triển bền vững là gì?...

Nhận thức và tổ chức thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu chỉ tự gò mình vào phương pháp đem đối lập nó với chủ nghĩa tư bản sẽ là tự làm khô cứng chủ nghĩa xã hội, tự cô lập mình và rốt cuộc, vô hình trung lại rơi vào siêu hình, máy móc. Nghĩa là, không phải đơn thuần cứ đem đối lập về mọi mặt với chủ nghĩa tư bản là thấy được chủ nghĩa xã hội, hoặc chỉ qua việc trích dẫn các tác phẩm kinh điển, hay chỉ từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mấy thập niên qua là đủ. Điều quan trọng là phải vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam và thời đại, từ đó đề ra những phương hướng chủ đạo, hệ giải pháp lớn, hữu hiệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bốn là, con người thật sự phải là trung tâm của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là mệnh đề cao nhất của thế kỷ XXI. Đối với chủ nghĩa xã hội, quá trình con người với tư cách là con người được giải phóng khỏi áp bức, nô dịch, đi đến con đường là chủ nhân của xã hội, con người tự do, diễn ra như thế nào? Từ con người cá nhân đến con người xã hội và ngược lại, ra sao? Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và những điều gì bảo đảm cho con người làm tốt các vai trò đó? Quan sát trên bình diện lý luận và nhất là thực tiễn thì quả là không ít điều đáng bàn, không ít việc cần phải làm. Bởi lẽ, đây chính là mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội: Tất cả từ con người, vì con người và cho con người.

Năm là, về phương thức phát triển. Lịch sử thế giới đã và đang cho thấy, chưa bao giờ phát triển như một cuộc "duyệt binh". Vì phương thức sự phát triển của lịch sử vốn là đa dạng trong thống nhất: Vừa tuần tự, vừa nhảy vọt, vừa phát triển, vừa ngưng đọng, thậm chí cả những bước phát triển dích dắc xen lẫn cả những bước lùi tạm thời...

Nhìn toàn cục, đó là bài học lớn về phương pháp xử lý thời và thế, cái khách quan và cái chủ quan, bên trong và bên ngoài..., đưa lịch sử phát triển theo phương thức rút ngắn. Nói cách khác, đó cũng là sự phát triển nhảy vọt, khi chuẩn bị thế trận toàn vẹn, chờ đợi và nắm lấy thời cơ đã thực sự chín muồi, để giải quyết đại cục. Có thể nói, đó là nghệ thuật phát triển rút ngắn cần được nghiền ngẫm một cách thấu đáo.

Chủ nghĩa xã hội Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập thế giới

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách đối ngoại nhằm mục đích hòa bình, bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời, chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa mọi xung đột khu vực và toàn cầu, chủ động góp phần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Để tiếp tục hội nhập quốc tế thành công hơn nữa, với tinh thần độc lậpđoàn kết - hài hòa - hội nhập - và thủy chung trên lộ trình chủ động hội nhập quốc tế thấm đẫm tinh thần nhân văn là phẩm giá quan trọng của hệ giá trị Việt Nam, vì lợi ích quốc gia tối thượng trong hành xử trước thế giới và vì thế giới, chúng ta tiếp tục mấy công việc căn bản.  

Một là, dự báo chính xác những bước phát triển mới của toàn cầu hóa trong những năm tới khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ; từ đó, hoạch định đúng đắn chiến lược trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tiếp tục định vị chiến lược quốc gia, với vị thế, vai trò và uy tín ngày càng xứng đáng trong nền kinh tế thế giới, nền chính trị thế giới và nền văn minh nhân loại.  

Hai là, chủ động và sáng tạo xử lý về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Trước mắt, sửa đổi hệ thống pháp luật nhằm vừa củng cố độc lập, tự chủ, vừa hội nhập quốc tế thành công. Chủ động và tích cực tham gia vào việc đổi mới, cải tổ, cải cách hay thiết lập các định chế toàn cầu và khu vực; đóng góp nhiều hơn vào xây dựng “luật chơi”, coi đây là lợi ích quan trọng của quốc gia. Nâng cao năng lực phòng, chống, xử lý, giải quyết những tranh chấp quốc tế.

Ba là, không ngừng thu hút và tập hợp trong đội ngũ trên phương diện hội nhập quốc tế những phần tử tinh hoa nhất; bồi dưỡng cho họ tố chất tinh nhạy về chính trị nhất; đào tạo, rèn luyện họ tinh thông nghiệp vụ nhất; nhằm xây dựng một đội ngũ tinh nhuệ nhất trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; tổ chức đội ngũ một cách tinh gọn và chặt chẽ nhất; hành xử thật sự tinh tế trong các quan hệ trong nước và quốc tế phức tạp khôn lường; mọi đảng viên, cán bộ phấn đấu với tinh thần dĩ công vi thượng tinh thần nhân văn nhất vì Nhân dân, vì Tổ quốc.    

Qua hơn 35 năm, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mang những nét đặc thù nhưng giữ vững bản chất chung thống nhất của chủ nghĩa xã hội, phát triển thông qua việc thực hiện các vấn đề có tính quy luật của sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN, với lộ trình tổng thể, gồm rất nhiều khâu trung gian, nhiều bước quá độ sinh động, cụ thể; và qua đó, càng làm nổi bật hơn các nguyên tắc XHCN, tìm tòi các phương thức thực thi mục tiêu sống động của chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình của đất nước và xu thế phát triển của thời đại hiện nay. 

Thay vì kết luận, xin lược trích một số nhận định của bạn bè quốc tế về 35 năm công cuộc đổi mới của Việt Nam XHCN: “Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”(26).“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình và ổn định, với nền kinh tế không ngừng tăng trưởng khởi sắc. Thành công của Việt Nam cũng là thành công của toàn thế giới. Mô hình của Việt Nam đã đạt đến những thành tựu của chủ nghĩa xã hội”(27)

Đó là thực tiễn sinh động Việt Nam đã đi hơn 35 năm qua, đang đi và tiếp tục sẽ đi, không thể gì đảo ngược. Đó cũng chính là một trong những nhân tố căn bản làm nên hệ giá trị Việt Nam, với triết lý phát triển Việt Nam mạnh mẽ, bền vững nhịp bước cùng thế giới và hiện diện sinh động một Việt Nam XHCN với khát vọng hùng cường, nhân văn, vì một thế giới hòa bình, thống nhất, hòa bình hôm nay và tương lai.      

_________

(25) Xem Nhị Lê: Chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Lô-gic – Đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.106 -111.

(26) Z.B.Ca-re-ra: Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người, Báo Nhân Dân, số ra ngày 26-9-2000, tr. 3.

(27) Website: bqp.vn, mod.gov.vn/Dư luận quốc tế đánh giá cao về Đại hội lần thứ XII của Đảng, ra ngày 31-01-2016

Nhị Lê