Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII

Bài 2: Đổi mới hoạt động giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước

- Thứ Ba, 27/09/2022, 05:42 - Chia sẻ

 TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quốc hội phải phát huy hơn nữa tác dụng của các hình thức giám sát tối cao có hiệu quả cao, đó là hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Song có thể đổi mới một bước nữa: trong điều kiện ráo riết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì trong một nhiệm kỳ có thể lấy phiếu tín nhiệm ít nhất 2 lần (như nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã thực hiện) và nên xem xét chỉ quy định 2 mức: “Tín nhiệm” và “Không tín nhiệm”. Tiếp theo là thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm (cũng có thể 2 lần trong một nhiệm kỳ nhưng một lần lấy phiếu, một lần bỏ phiếu tín nhiệm).

 Cần có một Nghị quyết của Đảng về Chiến lược hoạt động giám sát

Và, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm nên tiến hành sau hoạt động chất vấn tổng thể (khi mà hầu hết các chức danh theo luật định đã trả lời chất vấn). Đồng thời, phải phát huy các hình thức giám sát tối cao khác để bảo đảm tính đồng bộ và cộng hưởng kết quả hiệu lực, hiệu quả giữa các hình thức giám sát. Trong đó, Quốc hội cần phát huy việc sử dụng Ủy ban lâm thời như một công cụ kiểm soát quyền lực vào những vụ việc cấp thiết. Để góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp thành lập Ủy ban lâm thời theo khoản 3, Điều 66 và các Điều 88, 89 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành để góp phần xử lý nhiều vụ việc trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, các nhóm trục lợi, tham nhũng, tiêu cực... Sử dụng Ủy ban lâm thời sẽ có hiệu lực, hiệu quả hơn nhiều so với giám sát bằng các hình thức khác, vì Ủy ban lâm thời có quyền điều tra làm rõ những vấn đề, những vụ việc cụ thể (chứ không chỉ giám sát xem có thực thi đúng chính sách, pháp luật hay không?).

Nếu như ở hoạt động lập pháp, từ rất sớm, Đảng lãnh đạo đã có Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 về Chiến lược lập pháp và đã đem lại hiệu quả thiết thực, thì nay ở hoạt động giám sát, Đảng cũng cần có một Nghị quyết về Chiến lược hoạt động giám sát, vì đây là một chức năng có phạm vi rất rộng lớn. Hoặc cao hơn là Nghị quyết về Chiến lược hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cho cả hệ thống chính trị. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” của công cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên trì với tham nhũng, tiêu cực, rất cần một nghị quyết như thế của Đảng. Mặt khác, đối với cơ quan lập pháp, dù đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động giám sát, nhưng về hiệu quả còn có khoảng cách xa so với lập pháp, nên rất cần có một nghị quyết chỉ đạo chiến lược thúc đẩy công tác này.

Trở lại hình thức giám sát lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Đảng đã có Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8.10.2014 về lấy phiếu tín nhiệm, thì bây giờ rất cần thiết có một quy định của Đảng về bỏ phiếu tín nhiệm để Quốc hội thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ thứ 8 tại Điều 70 của Hiến pháp 2013, “Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.

Đảng lãnh đạo Quốc hội đổi mới kiểm soát quyền lực nhà nước

Cương lĩnh năm 1991 của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định, “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, các cơ quan thực hiện ba quyền đó trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không chỉ là thống nhất, phân công, phối hợp, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn phải kiểm soát lẫn nhau trong việc thực thi quyền lực. Có thể nói, kiểm soát quyền lực nhà nước là toàn bộ các hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá để ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ, những hành vi, những việc làm sai trái của các chủ thể (các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức, viên chức) trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được sử dụng và thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật. Các hình thức (công cụ) kiểm soát quyền lực chính là các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát...

Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan lập pháp, do đó được phân công và có quyền (có trách nhiệm) kiểm soát hoạt động thi hành quyền lực của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Công cụ kiểm soát quyền lực của Quốc hội chính là các hình thức giám sát tối cao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, trong đó có điều tra theo hoạt động của Ủy ban lâm thời của Quốc hội.

Theo sự lãnh đạo của Đảng, các nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực đối với nhiều hoạt động của hai nhánh quyền lực hành pháp và tư pháp; đã góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đối với Quốc hội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn vô cùng nặng nề, phức tạp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta... Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(1).

Do đó, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng có nghĩa là đổi mới cách thức chỉ đạo cụ thể đối với cơ quan lập pháp. Trước mắt cũng như lâu dài, Quốc hội phải thường xuyên sử dụng mạnh mẽ 7 công cụ giám sát tối cao của mình, trong đó có 3 công cụ có hiệu lực cao nhất để thực hiện kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp, trước hết là những cơ quan, đơn vị mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ:

Một là, trong hoạt động chất vấn, sẽ phải chất vấn đột phá vào “một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công “đang tồn tại nhũng nhiễu, tiêu cực”. Chất vấn đột phá vào những người đứng đầu một số lĩnh vực mà tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi. Chất vấn đột phá vào “một bộ phận cán bộ có “lợi ích nhóm”, tiêu cực, có bệnh lãng phí, vô cảm”...

Hai là, sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhiều lần có tính sàng lọc, làm cho bộ máy và nhân sự trong bộ máy thường xuyên nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công. Đồng thời thực sự giúp cho việc thường xuyên đánh giá cán bộ cấp cao được chính xác hơn để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau.

Ba là, sử dụng công cụ Ủy ban lâm thời của Quốc hội để điều tra những vụ việc đang có nhiều ý kiến phức tạp thuộc các lĩnh vực tài chính, tiền tệ; nơi nắm giữ quyền phân chia dự án; quản lý đất đai, môi trường; quản lý tài sản nhà nước và một số vụ án đã xét xử đang có nhiều tai tiếng...

Tất cả những hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp đều phải nhằm góp phần làm cho hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, đúng nghĩa là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

________

(1) Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, xem các trang 92 - 95.