Dữ liệu tài chính mới nhất được công bố thể hiện, tính đến ngày 30.6.2024, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam ghi nhận lỗ lũy kế hơn 5.800 tỷ đồng. Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng, nhưng con số này chưa đủ để bù đắp khoản lỗ lũy kế tích tụ từ những năm trước.
Trong giai đoạn này, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của FWD Việt Nam đạt 1.960 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Các chi phí liên quan bao gồm chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (1.155 tỷ đồng), chi phí bán hàng (661 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (459 tỷ đồng). Công ty cũng đã chi trả bồi thường bảo hiểm 370 tỷ đồng và ghi nhận dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc 597 tỷ đồng, dẫn đến mức lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chính là 341 tỷ đồng.
![40c5564e-8caa-4aa1-802d-b08385ae1374.png](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/a12009a41168bc5633e3c01adfbaf2b728dd8eb6ee9528553aa89e742fc3902ea02e09d39504a3331adb80f09233ab080b6e6350cb07e0d96d7e7f729ca2d7a6/40c5564e-8caa-4aa1-802d-b08385ae1374.png)
Tuy nhiên, FWD Việt Nam đã ghi nhận nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt 423 tỷ đồng trong kỳ này, bao gồm lãi từ đầu tư trái phiếu, tiền gửi, kinh doanh chứng khoán và thu nhập cổ tức. Danh mục đầu tư của công ty bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn, với tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu đạt khoảng 2.914 tỷ đồng. Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện kết quả kinh doanh, FWD Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức lớn trong việc giảm thiểu lỗ lũy kế và đạt được sự ổn định tài chính trong tương lai.
Theo các chuyên gia, lỗ lũy kế là một vấn đề quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là trong ngành bảo hiểm nhân thọ, nơi vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài.
Đơn cử có thể kể đến là áp lực về vốn và khả năng duy trì hoạt động. Lỗ lũy kế khiến vốn chủ sở hữu của công ty suy giảm, có thể ảnh hưởng đến khả năng tài chính tổng thể. Tình hình kéo dài sẽ khiến FWD Việt Nam có thể phải nhận thêm vốn từ tập đoàn FWD để duy trì hoạt động, điều này có thể ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng hoặc tái đầu tư.
Khi lỗ lũy kế quá lớn, công ty sẽ gặp khó khăn trong việc tái đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm hoặc mở rộng thị trường. Trong khi đó, FWD đang phải đối mặt với chi phí vận hành và bán hàng lớn (661 tỷ đồng chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm 2024), gây áp lực lên lợi nhuận. Nếu công ty tiếp tục chịu lỗ, việc tung ra sản phẩm mới với mức giá hấp dẫn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các đối thủ có nền tảng tài chính vững mạnh.
Đáng chú ý, một công ty liên tục lỗ luỹ kế và ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, dễ gây tâm lý lo lắng về khả năng chi trả bồi thường trong dài hạn.
Hiện tại, FWD vẫn đảm bảo được khả năng chi trả bồi thường bảo hiểm (370 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024), nhưng nếu lỗ lũy kế kéo dài, công ty có thể phải tăng dự phòng nghiệp vụ hoặc tìm nguồn vốn bổ sung.
Dù lỗ lũy kế cao, FWD vẫn có một số điểm sáng là lợi nhuận trước thuế dương 290 tỷ đồng. Điều này cho thấy công ty đã có dấu hiệu cải thiện. Chiến lược tối ưu hóa danh mục đầu tư vào trái phiếu giúp công ty có nguồn thu tài chính ổn định.
Tuy nhiên, để xoay chuyển tình hình, FWD cần kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý tốt hơn. Gia tăng doanh thu từ bảo hiểm thay vì phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư tài chính. Cải thiện lòng tin của khách hàng để tăng doanh số hợp đồng bảo hiểm mới.