Quốc hội và Cử tri

Bảo đảm quyền con người, minh bạch pháp lý

Diệp Anh 20/05/2025 21:58

Góp ý tại phiên thảo luận tổ chiều 20/5 về các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề xuất nhiều điều chỉnh cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất hệ thống pháp luật, phù hợp với chủ trương phân cấp; đồng thời, đề cao quyền con người và sự minh bạch trong thực thi pháp luật.

Bảo đảm quyền được sống trong Bộ luật Tố tụng hình sự

Cơ bản đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Trần Nhật Minh đặc biệt lưu tâm đến quy định liên quan đến thẩm quyền giám sát xét xử sơ thẩm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, khoản 4 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 173, quy định: trường hợp vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất đến 20 năm tù, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.

z6621069500661_ccd77334cac4157c20be63b581fb3846.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu cho rằng quy định này không cần thiết. Bởi lẽ, Luật hiện hành đã quy định rõ thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực chỉ áp dụng cho các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh. “Do đó, việc bổ sung như dự thảo là thừa và có thể gây xáo trộn hệ thống pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Về khoản 25 Điều 1, dự thảo mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân khu vực được xét xử sơ thẩm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Theo đại biểu, nếu mở rộng như vậy thì cần đồng bộ hóa quyền công tố. Cụ thể, Viện kiểm sát nhân dân khu vực nên được thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm lần đầu đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt tối đa là 20 năm tù. Những lần xét xử tiếp theo (nếu có), sẽ do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm. Cách tiếp cận này “vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa phù hợp với chủ trương phân quyền, phân cấp của Đảng và Nhà nước”, đại biểu Trần Nhật Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến quy định về thời hạn xét đơn xin ân giảm án tử hình, đại biểu nêu rõ: dự thảo đang bổ sung khoản 1 Điều 367. Theo đó, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Chủ tịch nước nhận được báo cáo của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định ân giảm. Hết thời hạn này mà không có quyết định ân giảm, cơ quan thi hành án cấp tỉnh sẽ tổ chức thi hành án tử hình.

z6621069504014_0d8577edb73ee560e52088cb1640a16f.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng mốc thời gian “ngày nhận được báo cáo” không rõ ràng nếu hai báo cáo không được gửi cùng lúc. Điều này có thể gây tranh cãi về tính hợp pháp, thậm chí ảnh hưởng đến quyền được sống của người bị kết án.

Vì vậy, đại biểu đề xuất quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng Chủ tịch nước trong việc xác nhận và thông báo bằng văn bản ngày nhận đủ cả hai báo cáo cho cơ quan thi hành án. Ngoài ra, đề nghị sửa đổi theo hướng cụ thể hơn:

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình có quyền làm đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước.

Trong vòng 2 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao phải gửi báo cáo liên quan.

Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc ân giảm.

Đại biểu nhấn mạnh: “Đây là quy định liên quan đến quyền tối thượng của con người – quyền được sống – nên cần được quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ để tránh áp dụng sai, gây hậu quả không thể khắc phục”.

Cần có cơ chế kiểm soát rõ ràng trong lĩnh vực tín dụng

Góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đồng tình với chủ trương phân cấp cho Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định cho vay đặc biệt. Việc loại bỏ vai trò phê duyệt của Thủ tướng và trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với xu hướng điều hành hiện đại.

z6621069524088_c1b00bc0f5c4f209f9a4cdb4e61a7897.jpg
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý: “Nguyên tắc phân cấp phải đi kèm kiểm soát”. Trong khi đó, dự thảo chưa quy định rõ cơ chế giám sát quyền này. Vì vậy, cần bổ sung các quy định kiểm soát nhằm bảo đảm việc cho vay – nhất là không có tài sản bảo đảm – được minh bạch và đúng đắn.

Đối với các điều 193a, 98b, 98c và 198, đại biểu nhận định: dự thảo đã tiếp thu nhiều góp ý trước đây nhưng vẫn còn một số điểm cần chỉnh sửa.

Về thủ tục thông báo thu giữ tài sản bảo đảm, dự thảo chỉ quy định thời hạn với bất động sản, chưa có với động sản. Theo đại biểu, bất kể loại tài sản nào, các bên liên quan đều cần có thời gian để tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần bổ sung thời hạn thông báo đối với cả động sản.

Đại biểu cũng đề nghị khôi phục quy định “tài sản đang có tranh chấp thì không được thu giữ”. Việc loại bỏ quy định này chưa hợp lý, vì nếu không có cơ chế bảo vệ thì quyền lợi của bên thứ ba đang tranh chấp có thể bị xâm phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất cho phép người bị thu giữ tài sản có quyền khởi kiện ra tòa nếu cho rằng việc thu giữ là sai luật hoặc sai hợp đồng. Đây là nguyên tắc cần thiết nhằm bảo đảm công bằng và tính pháp lý trong xử lý nợ xấu.

Về khoản 7 Điều 198a, đại biểu đề nghị phải quy định rõ các quyết định nội bộ về thu giữ tài sản của tổ chức tín dụng phải được thông báo từ đầu khi ký hợp đồng, giúp các bên hiểu rõ quyền – nghĩa vụ ngay từ đầu, tránh tranh chấp phát sinh.

Đối với Điều 198b, dù đồng tình với nội dung, đại biểu đề nghị tách rõ các trường hợp không kê biên tài sản để thuận tiện áp dụng thực tế.

Cùng với đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng cho rằng: việc áp dụng luật đối với các khoản nợ xấu phát sinh trước thời điểm luật có hiệu lực cần được xem xét thận trọng. “Nếu cho phép hồi tố thì phải giải trình rõ ràng, vì nguyên tắc pháp luật là hạn chế tối đa việc áp dụng trở về trước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề áp dụng hồi tố nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong thực hiện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm quyền con người, minh bạch pháp lý
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO