Chính trị

Bảo đảm nguyên tắc phân cấp thực chất

Diệp Anh 07/05/2025 22:48

Tại phiên thảo luận Tổ chiều 7/5 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị giữ quyền giám sát của Nhân dân, đảm bảo nguyên tắc phân cấp thực chất và hoàn thiện thể chế công vụ theo hướng hiệu lực, hiệu quả.

Giữ nguyên các quy định về vai trò của MTTQ và quyền giám sát của nhân dân

Đồng tình với các điều khoản, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, việc sửa đổi là một bước điều chỉnh rất lớn, về cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò và điều lệ của các tổ chức đã được quy định.

z6577911261606_b3fa3a6f264e1e4a5b14c3b156c6487d.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham gia phiên thảo luận tổ. Ảnh: N.Đức

Tuy nhiên, về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được cân nhắc. Cụ thể, khoản 2 Điều 7 dự thảo quy định về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đã bỏ đi nội dung: “Người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp HĐND, các phiên họp của UBND khi bàn các vấn đề liên quan”.

Đại biểu nhấn mạnh: “Việc bỏ quy định này mà không nêu rõ lý do là điều cần lưu ý. Nếu lý giải rằng các tổ chức này trực thuộc MTTQ thì chưa thực sự thuyết phục, bởi trên thực tế, các tổ chức chính trị – xã hội này vẫn hoạt động tương đối độc lập theo điều lệ riêng. Hơn nữa, trong nhiều điều khoản khác của Hiến pháp hiện hành vẫn ghi nhận rõ vai trò của các tổ chức như: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…”.

z6577911280329_ca16c2f85a319acb39552d982fd88191.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh phát biểu. nh: N.Đức

Theo đó, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định cũ, hoặc có giải trình rõ ràng hơn để bảo đảm sự thống nhất với Hiến pháp, đồng thời khẳng định vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: cần giữ nguyên khoản 1 Điều 9 như quy định hiện hành vì đã thể hiện đầy đủ vị trí, chức năng của MTTQ Việt Nam, không gây xáo trộn trong cơ cấu tổ chức.

Đại biểu phân tích: “Ở khoản 2, mặc dù có bổ sung quy định về các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ…, nhưng việc bổ sung một số nội dung là “vừa thừa vừa thiếu”. Cụ thể, phần trên đã khẳng định các tổ chức này trực thuộc Mặt trận, phần dưới lại tiếp tục nhấn mạnh “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” là thừa. Ngoài ra, cho rằng các tổ chức này “hoạt động dưới sự chủ trì của MTTQ” là không chính xác về mặt cơ cấu tổ chức, vì MTTQ không trực tiếp quản lý các tổ chức thành viên. Do đó, đề nghị giữ đúng như quy định trong Hiến pháp hiện hành để bảo đảm tính chính xác và thống nhất”.

z6577911271850_6c68a83d376a24f9e47db291bd7c1764.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu. Ảnh: N.Đức

Về quy định liên quan đến Công đoàn Việt Nam, đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ băn khoăn: Dự thảo có bổ sung có quy định “Đây là đoàn đại diện của người lao động ở cấp quốc gia, trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế với công đoàn” , đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ. Bởi, Công đoàn Việt Nam có nhiều cấp, không thể chỉ khẳng định vai trò đại diện ở cấp quốc gia mà không nói đến các cấp còn lại. Quy định như vậy dễ gây hiểu nhầm về phạm vi đại diện và cần làm rõ hơn trong văn bản sửa đổi.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề cập đến việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định ở khoản 3, Điều 110 của Hiến pháp. Theo đại biểu, quy định bỏ mất quyền được đóng góp ý kiến của người dân liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính là không phù hợp. Vì vậy, kiến nghị giữ lại quyền của người dân trong việc cho ý kiến về việc thành lập, giải thể đơn vị hành chính trong quy định trong Hiến pháp.

Mở rộng quyền phân cấp cho địa phương

Về các nội dung phân cấp trong quyết định thành lập, giải thể, chia tách, nhập đơn vị hành chính và đổi tên đơn vị hành chính – nhất là cấp xã – đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề xuất cần mạnh dạn phân cấp cho địa phương.

z6577911261477_887bcb2b717b9d14e5eb18187258c97d.jpg
z6577911248591_b1ef8db3e7676ec51981311383447cdf.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: N.Đức

Đại biểu nêu rõ: “Nếu đã giao cho địa phương chủ động thực hiện, thì cần đi đôi với trao quyền quyết định, thay vì giữ quy trình quá nhiều cấp thẩm định như hiện nay”. Cũng theo đại biểu, thời gian qua, chúng ta đang phân cấp mạnh cho địa phương, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm thì nên chăng xem xét phân cấp thẩm quyền điều chỉnh địa giới, thành lập, giải thể, nhập, chia tách đơn vị hành chính và đổi tên đơn vị hành chính của cấp xã cho HĐND cấp tỉnh, đối với cấp tỉnh thì phân cấp cho Quốc hội.

Về Luật Cán bộ, công chức, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cơ bản đồng tình với các nội dung sửa đổi và nhất trí cao với việc bãi bỏ các Điều 26, 27, 28, 29, 30 liên quan đến điều động, luân chuyển cán bộ nhằm mục đích đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ... Theo đại biểu, các quy định này nên thực hiện theo nguyên tắc chung, không nên cụ thể hóa máy móc trong luật.

Đại biểu dẫn chứng: “Chẳng hạn, theo quy định cũ, cán bộ có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xem xét cho thôi việc. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp hoàn thành nhiệm vụ nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về hiệu quả và năng lực”.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra là: thi đua – khen thưởng hiện vẫn yêu cầu cán bộ phải hoàn thành 100% nhiệm vụ mới đủ điều kiện xét thưởng. Điều này làm mất đi động lực cạnh tranh và hạn chế sự phấn đấu thực chất trong đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đánh giá nên dựa trên kết quả cụ thể theo vị trí việc làm và sản phẩm đầu ra, thay vì chỉ dựa vào tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu hình thức”.

“Về mặt nguyên tắc, công tác cán bộ cần hướng đến việc sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín – theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 21. Nhưng điều này cũng đặt ra áp lực rất lớn về mặt tổ chức, chi phí, tâm lý và nhân lực nếu không được làm thận trọng. Đánh giá cao dự thảo đã tiếp cận theo hướng bỏ tư duy biên chế suốt đời, vì đây là một rào cản lớn, kìm hãm tinh thần tự đào tạo, tiến thủ và phát triển của cán bộ, công chức. Nếu không thay đổi tư duy này, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra "điểm nghẽn" trong cải cách và phát triển đội ngũ công vụ…”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nêu rõ.

z6577911264576_aae0dacfd73a86bcaf9f8a61c6131d41.jpg
Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu. Ảnh: N.Đức

Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Trần Nhật Minh cũng đưa ra hai nhóm ý kiến. Trước hết là về hoạt động của UBND. Dự thảo luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 40 rằng UBND sẽ thảo luận và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

Dẫn quy định trên, đại biểu đặt vấn đề: “Liệu UBND cấp tỉnh và cấp xã có thực sự cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn không?” – bởi thực tế tại nhiều địa phương hiện nay chỉ có kế hoạch 5 năm, gắn với nhiệm kỳ HĐND, trong khi kế hoạch dài hạn 10 năm hầu như không được triển khai. Kế hoạch hàng năm thì thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hơn nữa, theo đại biểu, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành không quy định Chính phủ phải ban hành kế hoạch dài hạn, trong khi Luật Tổ chức Quốc hội lại giao cho Quốc hội quyết định kế hoạch dài hạn và hàng năm – nhưng lại không đề cập đến kế hoạch trung hạn. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật… Từ đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị làm rõ khái niệm “dài hạn, trung hạn, hàng năm” trong luật, đồng thời điều chỉnh quy định theo hướng chỉ yêu cầu xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm ở cấp chính quyền địa phương – đặc biệt là cấp xã – nhằm bảo đảm tính thực tiễn và tránh hình thức.

z6577911276503_c492ce6e67b2ec7e1e3aa9de77a8913d.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: N.Đức

Nhóm ý kiến thứ hai của đại biểu Trần Nhật Minh liên quan đến Điều 54 về các điều khoản chuyển tiếp. Theo đại biểu, mặc dù dự thảo có quy định về thẩm quyền và thời điểm chuyển tiếp, nhưng riêng đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo – một lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến từng vụ việc, từng cá nhân cụ thể – thì cần có hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn.

Dẫn chứng từ Luật Khiếu nại hiện hành: sau khi Chủ tịch UBND xã giải quyết khiếu nại lần đầu, công dân không đồng ý thì có thể khiếu nại tiếp lên Chủ tịch UBND huyện. Khi việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra, nếu không có quy định rõ về thẩm quyền kế thừa thì dễ phát sinh lúng túng, ách tắc và bỏ sót trách nhiệm… Vì vậy, đại biểu đề xuất: “Cần bổ sung quy định rằng kể từ ngày 1.7.2025, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định người kế nhiệm tại UBND xã tiếp nhận và thực hiện quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng từ cấp dưới bàn giao.” Việc này theo đại biểu là tương tự như khoản 3 Điều 54 - về việc kế thừa các cam kết quốc tế – và nên được áp dụng trong lĩnh vực hành chính - pháp lý nội bộ.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm nguyên tắc phân cấp thực chất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO