Bàn về phân cấp, phân quyềnBài cuối: Cần chế định pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy mà Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”… Cần xây dựng, ban hành một chế định pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch hơn về cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các văn bản pháp luật liên quan, để các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả.
Trao quyền mạnh, cụ thể hơn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. (Khoản 2, Điều 112) Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. Trong cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Trung ương Đảng đã quán triệt quan điểm: Mỗi việc chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Trên thực tế, việc phân cấp, phân quyền còn nhiều lúng túng, chưa rõ ràng, minh bạch. Trong quản lý hành chính, mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ quan hành chính có rất nhiều hoạt động, nhiều công việc phải giải quyết, quyết định kịp thời để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, của công dân. Vì vậy, việc xác định nhiệm vụ, hoạt động để thực hiện việc phân cấp, phân quyền khá phức tạp.
Phân cấp, phân quyền trong quản lý hành chính phải đạt được 3 mục tiêu: (i) nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cấp hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu mỗi cơ quan; (ii) bảo đảm sự thông suốt trong mối liên hệ giữa các cấp hành chính, giữa cơ quan chuyên môn cấp trên và cấp dưới; (iii) khắc phục những biểu hiện quan liêu, cục bộ, không muốn phân cấp, phân quyền.
Trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, nội dung về phân cấp, phân quyền cũng mới chỉ là phân định thẩm quyền, xác định quyền hạn trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền (tỉnh, xã) và mỗi nhánh chính quyền ở mỗi cấp hành chính (HĐND, UBND). Thực chất của việc phân quyền lại được thể hiện trong các văn bản luật chuyên ngành, như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, Luật Đất đai... Chính vì thế, sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, không còn cấp huyện, các văn bản luật chuyên ngành cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và theo định hướng trao quyền mạnh hơn, cụ thể hơn cho chính quyền địa phương.
Mặt khác, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng cần cụ thể hơn về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để thực sự hiệu quả, tạo quyền chủ động của cơ sở.
Bảo đảm nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả
Theo Luật Tổ chức Chính phủ 2025 và dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), việc phân quyền giữa Quốc hội với Chính phủ - là phân quyền ngang; phân quyền giữa Quốc hội, Chính phủ (chính quyền trung ương) với chính quyền địa phương - là phân quyền dọc, đều phải được quy định trong các văn bản luật. Và thực chất là quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội (trong Luật Tổ chức Quốc hội); quyền hạn, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong Luật Tổ chức Chính phủ); quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND, UBND ở mỗi cấp chính quyền địa phương (trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương), cần được rõ ràng, không trùng lắp, chồng chéo. Trong đó, các văn bản luật cần giải thích rõ từ ngữ về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, và quy định về nguyên tắc khi thực hiện.
Vậy, việc phân quyền đã được quy định trong luật, khi có thay đổi việc phân quyền thì phải sửa luật? và vì thế rất khó và không thể thực hiện việc phân quyền trên thực tế, có chăng chỉ còn là sự phân cấp và ủy quyền giữa các cơ quan hành chính cùng cấp và giữa cơ quan hành chính cấp trên và cấp dưới.
Trước đó, Chính phủ đã có một nghị quyết chuyên đề về “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương” (Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10/01/2022). Nhưng, việc phân cấp, phân quyền vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn lúng túng trong thực hiện, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên thì trả lời chung chung kiểu: “cứ làm đúng quy định của pháp luật”.
Về khái niệm phân cấp, theo Từ điển Luật học, phân cấp quản lý hành chính là: chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện thường xuyên, lâu dài, ổn định trên cơ sở pháp luật. Phân cấp quản lý hành chính là xác định lại sự phân chia thẩm quyền theo các cấp hành chính cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Theo dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương sửa đổi, Điều 13: UBND cấp tỉnh, cấp xã phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND cấp tỉnh phân cấp cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã...
Quy định là vậy, khi thực hiện sẽ khó có việc phân cấp, bởi 2 lý do chính: một là, khi các luật chuyên ngành quy định quyền hạn của mỗi cấp (tỉnh, xã) được quyết định nội dung cụ thể mà lại phân cấp cho cấp dưới hoặc cơ quan chuyên môn cùng cấp thực hiện, sẽ xuất hiện tâm lý e ngại không đúng quy định của pháp luật? Hai là, tâm lý chung là muốn “giữ quyền, sợ mất quyền”. Vì thế, trong các Luật chuyên ngành (sắp tới sửa đổi), cũng cần nghiên cứu kỹ và phân cấp ngay trong các văn bản luật đó.
Về khái niệm ủy quyền: là khái niệm pháp lý đề cập đến việc chuyển giao quyền hoặc trách nhiệm từ một chủ thể, thường là cấp cao hơn, cho một chủ thể khác, thường là cấp thấp hơn, để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc đưa ra quyết định. Điều này trao quyền cho người được ủy quyền hành động thay mặt cho người ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền được cấp.
Theo dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), Điều 14: UBND ủy quyền cho Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, Chủ tịch UBND cấp dưới; Chủ tịch UBND ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp dưới... Trên thực tế, việc ủy quyền cũng chưa được thực hiện thường xuyên vì nhiều lý do khác nhau.
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy mà Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các địa phương.
Vấn đề đặt ra là cần xây dựng, ban hành một chế định pháp lý rõ ràng, cụ thể, minh bạch hơn về cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các văn bản pháp luật liên quan trong lần sửa đổi này. Để các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả.