Bài cuối:  “Xay lúa thì khỏi ẵm em”

LÊ HỒNG HẠNH - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh 21/05/2022 06:28

Từ những bài học qua thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường đến những điểm mới về mặt quy định của luật, bên cạnh tạo ra đổi thay trong hoạt động, vẫn còn đó những rào cản khiến hoạt động của HĐND cấp xã chưa có sự chuyển biến thực sự về chất. Rạch ròi trong phân công nhiệm vụ, quan tâm cơ cấu thành viên Ban, phân Tổ đại biểu HĐND là những giải pháp và quy định cần thiết để hoạt động của HĐND cấp xã có sự thay đổi về chất trong thời gian tới.

Nên quy định thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã

Trước hết, nếu như chưa điều chỉnh được Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung quy định cho phép thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã. Trong thực tế, cũng có những địa phương mặc dù luật chưa quy định nhưng vẫn linh động hình thành các tổ, nhóm đại biểu để dễ hoạt động. Tuy nhiên, danh chính thì ngôn mới thuận, nếu có quy định thì sẽ thuận lợi hơn, đặc biệt là có căn cứ pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Tổ đại biểu. Thực tiễn cho thấy, các tổ đại biểu HĐND có vai trò rất quan trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trong TXCT cũng như trong thảo luận và quyết định tại kỳ họp. 

Mot-buoi-tap-huan-ky-nang-hoat-d-1652969405614.jpg
Một buổi tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND hai cấp trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: Bình Nguyên

Cùng với đó, để tháo gỡ công việc cho Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách, ngoài tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết, chuyên sâu cho các Ban HĐND, rất cần giao trách nhiệm phục vụ, giúp việc cho HĐND đối với Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp xã. Có một thực tế là ở cấp xã, Văn phòng chỉ giúp việc UBND còn HĐND thì không. Mọi nhiệm vụ của HĐND phường, xã chủ yếu do Phó Chủ tịch HĐND “vừa chặt, vừa vác” từ hậu cần, văn bản, thậm chí phục vụ đến chủ trì, điều hành. Không nên cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban, để Phó Chủ tịch HĐND phát huy được vai trò, vị thế của mình trong điều hành các hoạt động của HĐND, nhất là giữa hai kỳ họp.

Thu hút đại biểu nghỉ hưu có trình độ

Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã, không thể không nhắc tới việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND. Thực tiễn cho thấy, hoạt động của các Ban HĐND vẫn còn khá lúng túng và hình thức, tập trung chủ yếu vào giám sát chuyên đề và thẩm tra. Chất lượng thẩm tra mặc dù đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên vẫn chưa sắc nét, nhất là trong thẩm tra các lĩnh vực khó, nhạy cảm. Giám sát có thực hiện nhưng có những nội dung đang phụ thuộc nhiều vào cơ quan được giám sát là UBND. Do đó, giải pháp đầu tiên đó là vấn đề con người, là cơ cấu Ban HĐND như thế nào cho hợp lý.

Trước hết là chọn trưởng ban, phó trưởng ban. Nên cơ cấu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy trở lên đảm trách trưởng ban (có thể Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBMTTQ); phó trưởng ban có thể bố trí trưởng hoặc phó đoàn thể chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân); Ủy viên ban có thể cơ cấu ở thôn, tổ dân phố, hạn chế cơ cấu các ngành, bởi các ngành khi giới thiệu đại biểu thường người đứng đầu hoặc cấp phó, thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử không nhiều, có những ngành có yếu tố ngành dọc dễ thay đổi nhân sự do điều chuyển (công an).

Để Ủy viên ban HĐND có chất lượng, ngay khi cơ cấu đại biểu, cần lựa chọn những ứng cử viên có chất lượng ở thôn, tổ dân phố vào HĐND. Thông thường, đại biểu ở thôn, tổ dân phố là những người đã nghỉ hưu, trong đó có những người từng đảm trách vị trí quan trọng trong bộ máy hoặc các ngành từ Trung ương tới địa phương về nghỉ hưu trên địa bàn được Nhân dân tin yêu bầu làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; hoặc được Đại hội Đảng bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; hoặc là trưởng các chi hội, như Chi hội Cựu chiến binh (bộ đội). Trong cơ cấu HĐND, có thể lựa chọn những nhân tố này vào thì chất lượng (nhất là chuyên môn) sẽ được bảo đảm. Khi lựa chọn thành viên ban, cần chú ý đến trình độ chuyên môn của đại biểu để phù hợp với lĩnh vực phụ trách của ban theo luật định.

Tiếp đó là tập huấn kỹ năng chuyên sâu theo hướng cầm tay chỉ việc cho các ban HĐND, nhất là trong hướng dẫn xây dựng chương trình hoạt động, chương trình giám sát hàng năm, xây dựng quy chế hoạt động; trình tự thẩm tra, cách thẩm tra tài chính, ngân sách, đầu tư công; trình tự, cách thức giám sát chuyên đề… Nhiệm vụ, trách nhiệm của ban HĐND trong xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách giữa hai kỳ họp; thẩm tra việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên lĩnh vực phụ trách… Kỹ năng chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND… Ngoài ra, cần bố trí kinh phí hợp lý cho hoạt động để ban HĐND hoàn thành nhiệm vụ.

Sau cùng, Phó Chủ tịch HĐND chỉ thay mặt Thường trực HĐND đôn đốc hoạt động chứ không phải chỉ đạo hay làm thay việc của các Ban HĐND. Xét về quy định, Thường trực và các Ban HĐND đều là cơ quan của HĐND. Ban HĐND có tính độc lập nhất định trong hoạt động và quyết định theo tập thể, có chính kiến riêng và chịu trách nhiệm trước HĐND về hoạt động của mình. Rõ ràng, rạch ròi trong quy định và thực tiễn về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ là “chìa khóa” để các Ban HĐND cấp xã phát huy vai trò của mình trong thực thi nhiệm vụ, góp phần giúp HĐND cấp xã có sự biến đổi về chất như kỳ vọng, mục đích khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 mà Quốc hội đã hướng tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối:  “Xay lúa thì khỏi ẵm em”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO