Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã

Bài 1: Chủ yếu do Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách đảm nhiệm

- Thứ Sáu, 20/05/2022, 20:05 - Chia sẻ

Từ khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, mặc dù có thêm các Ban HĐND nhưng do thiếu kinh nghiệm, hoạt động kiêm nhiệm và chưa có quy định cụ thể về các chế tài giám sát; kinh phí thiếu, phụ thuộc hoàn toàn vào UBND… khiến hoạt động của các Ban HĐND cấp xã thiếu chủ động, chưa phát huy được vai trò như luật định. Mặc dù có các ban nhưng việc của HĐND vẫn chủ yếu do Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách đảm nhiệm. Việc không thành lập các Tổ đại biểu HĐND cấp xã như trước đây cũng gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động.

Thiếu chủ động trong hoạt động của các ban

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND cấp xã thành lập ban Pháp chế và ban Kinh tế - Xã hội. Hơn một nhiệm kỳ thực thi, bên cạnh những kết quả bước đầu, hoạt động của các ban này hiện còn bộc lộ những hạn chế, nhất là khi nhiệm kỳ 2021-2026, phần lớn thành viên ban là mới.

“Nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND xã được thành lập với 5 thành viên, trong đó 1 thành viên tái cử còn lại là tân nhiệm nên hoạt động rất khó khăn, nhất là việc thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết mảng tài chính, ngân sách, đầu tư công vì các thành viên trong ban thiếu chuyên môn, vừa không có kinh nghiệm. Ngoài ra, dù đã có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhưng để tổ chức được một cuộc giám sát chuyên đề ban cũng lúng túng, Bà Đồng Thị Lý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kiêm Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết.

Thiếu kinh nghiệm lại hoạt động kiêm nhiệm và chưa có quy định cụ thể về các chế tài giám sát; kinh phí thiếu, phụ thuộc hoàn toàn vào UBND (chủ tài khoản là Chủ tịch UBND) khiến hoạt động của các Ban HĐND nói riêng và cả HĐND cấp xã nói chung thiếu chủ động, chưa phát huy được vai trò như luật định. “Ngay từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động đến tổ chức một cuộc giám sát còn lúng túng bởi thành viên kiêm nhiệm, đa số không có chuyên môn về luật, 2 thành viên là cán bộ ở thôn nên rất khó cho Ban khi thẩm tra, chứ chưa nói đến việc giúp HĐND theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực thi pháp luật và nghị quyết trên lĩnh vực phụ trách tại địa phương cũng như tham gia vào hoạt động giải trình và chất vấn tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND” - Trưởng ban Pháp chế HĐND xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An trăn trở.

_Files_Images_2022_05_18_Dai-bie-1653019460787.jpg
Đại biểu HĐND cấp xã biểu quyết thông qua nghị quyết
Ảnh: Bình Nguyên

Phó Chủ tịch HĐND “ôm” thêm việc

Trên thực tế, do các Ban HĐND vẫn lúng túng trong hoạt động, thành viên ban kiêm nhiệm (cơ cấu thường là Trưởng, phó Đoàn thể làm Trưởng ban, Phó trưởng ban, còn thành viên cơ cấu ở thôn, Tổ dân phố và trường học) nên chủ yếu việc của HĐND do Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách đảm trách. Nếu như trước đây, việc giám sát, thẩm tra về một mối là Thường trực HĐND, khi có các Ban HĐND thì Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách phải làm thêm việc hỗ trợ, giúp đỡ các Ban từ xây dựng chương trình, quy chế hoạt động đến việc thẩm tra, giám sát.

“Trước đây, giám sát, thẩm tra do Thường trực HĐND làm nên “khỏe” hơn, từ khi có các Ban HĐND thì đúng là thêm lực lượng cho HĐND và hoạt động có vẻ quy củ hơn nhưng Phó Chủ tịch HĐND lại vất vả thêm thì phải ôm thêm việc đôn đốc, hướng dẫn cho các Ban HĐND, thậm chí có những việc ban lúng túng thì “làm thay luôn” - ông Phan Đình Thắng - Phó Chủ tịch HĐND phường Bắc Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bộc bạch.

Để tiện cho hoạt động của các Ban HĐND, nhiều địa phương bố trí Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách kiêm luôn Trưởng ban (thường là ban Kinh tế - Xã hội). Việc bố trí như vậy có ưu điểm là thuận tiện trong hoạt động của ban (vì có Trưởng ban giàu kinh nghiệm lại chuyên trách hoạt động của cơ quan dân cử) nhưng lại hạn chế trong việc tách bạch giữa hoạt động của Thường trực và các Ban. “Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban có vẻ lợi cho hoạt động của Ban nhưng lại khiến cho hoạt động của Thường trực HĐND bị chững lại, thậm chí có những nội dung theo kế hoạch phải giãn và giảm vì trùng vào hoạt động của ban. “Xay lúa thì khỏi bồng em”, một người không thể làm đồng thời nhiều việc cùng lúc được. Nếu làm thì hiệu quả không cao” - ông Kiều Quang Hà - Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh bày tỏ.

Nhiều khó khăn do không thành lập các Tổ đại biểu

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, ở cấp xã HĐND không thành lập các Tổ đại biểu HĐND như trước đây. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của HĐND, nhất là trong triển khai các hoạt động TXCT, thảo luận và quyết định. Cũng vì không phân Tổ để hoạt động nên xảy ra tình trạng khá nhiều đại biểu ở cấp xã suốt cả nhiệm kỳ chưa từng đăng đàn để báo cáo với cử tri tại các cuộc TXCT mà chủ yếu do Phó Chủ tịch HĐND thực hiện luôn, hoặc tập trung vào một vài đại biểu có kỹ năng nói tốt; việc thảo luận tại các kỳ họp HĐND cũng chưa sâu sát, thậm chí có những đại biểu khi thảo luận không tập trung vào nội dung chính của kỳ họp mà đi vào trình bày ý kiến cử tri hoặc trình bày vấn đề cá nhân.

Việc không thành lập các Tổ đại biểu HĐND cũng làm cho hoạt động chất vấn gặp phải vướng mắc khá nhiều vì chỉ có 2 ban và Thường trực HĐND nên “tác giả” chính của các vấn đề chất vấn trình ra kỳ họp lại chủ yếu và hầu hết là Phó Chủ tịch HĐND. Tham dự một phiên chất vấn ở kỳ họp HĐND cấp xã, không khó bắt gặp tình trạng chất vấn những nội dung chưa sát nội dung HĐND bàn hoặc người chất vấn trình bày dài dòng hơn người trả lời chất vấn. “Nếu không có các Tổ đại biểu thì rất khó tập hợp, phát huy vai trò của đại biểu HĐND cấp xã trong hoạt động của cơ quan dân cử” - ông Lê Hồng Thái, đại biểu HĐND xã Ea’Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk bày tỏ.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh