Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 23.5.2018, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, để thể chế hóa Nghị quyết, đồng thời nhằm tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, nhất là lao động nữ trong việc thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp… Luật Việc làm (sửa đổi) đã hướng tới mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, để đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, việc sửa đổi đã bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Để tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp luật cũng đã bổ sung quy định những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm. Cùng với đó là hỗ trợ học nghề theo hướng sửa đổi thành “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề”; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ như tiền ăn, sinh hoạt phí, đi lại, ở… ngoài mức học phí.
Phát triển nhân lực gắn liền với tạo việc làm bền vững
Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nội dung được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ. Theo đó, để tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cũng như khuyến khích, thu hút các bên là Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo tham gia phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thì Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Cụ thể đối với phát triển kỹ năng nghề, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Bổ sung quy định về Hội đồng kỹ năng nghề theo 03 cấp: Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề các ngành, lĩnh vực và Hội đồng kỹ năng nghề cơ sở. Trong đó, các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, theo cơ chế phối hợp liên ngành, không phát sinh bộ máy, biên chế. Bổ sung quy định cụ thể về khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và quy định việc tham chiếu, kết nối khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với khung trình độ quốc gia. Bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Trên cơ sở kỹ năng nghề thì vấn đề tiếp theo là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế. Theo đó, Luật quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu. Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.
Cụ thể với chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thì Luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Sửa đổi, quy định về đối tượng cho vay giải quyết việc làm, gồm: hộ kinh doanh và người lao động. Sửa đổi điều kiện vay vốn đối với người lao động (bỏ quy định về cư trú hợp pháp).
Đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù, Luật sẽ bổ sung đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Bổ sung quy định về việc làm bán thời gian cho học sinh, sinh viên: quy định về thời gian tối đa làm việc theo tuần/tháng, các chế độ cơ bản như tiền công, an toàn vệ sinh lao động. Bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: hỗ trợ đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tư vấn, giới thiệu việc làm, chính sách ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm.
Bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chính thức hoá việc làm phi chính thức: hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động phi chính thức; hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm ...
Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, tổ chức và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; về ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công đối với lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chính sách thu hút, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; quy định về các đối tượng và một số ngành, nghề đặc thù như kinh tế xanh, kinh tế số, nguy hiểm, độc hại ...; về Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề Việt Nam là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập và quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật.