. Bài 1: Xu hướng phát triển của nông nghiệp toàn cầu
. Bài 2: “Chúng tôi không muốn nghiên cứu nằm mãi trong phòng thí nghiệm”
Châu Âu cởi mở, châu Á tiến nhanh
TS. Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm làm việc về công nghệ sinh học và Giống cây trồng của CropLife Việt Nam, cho biết, tại châu Mỹ, Hoa Kỳ và Canada là các quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng và có các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gene trên toàn cầu. Các nước này đều có các chính sách khá cởi mở để hỗ trợ ứng dụng nhanh công nghệ này khi loại trừ những sản phẩm chỉnh sửa gene không chứa DNA ngoại lai ra khỏi các quy định về cây trồng biến đổi gene/chuyển gene. Các quốc gia Nam Mỹ cũng đi theo xu hướng này với số lượng các nước có các hướng dẫn cho cây trồng chỉnh sửa gene ngày một tăng nhanh.
Trong 5 năm qua, nhiều quốc gia châu Á đã nỗ lực đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gene theo hướng dựa trên cơ sở khoa học. Chính phủ các nước ngày càng ủng hộ và cởi mở với công nghệ này, coi đây là giải pháp chiến lược để phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhật Bản tiên phong trong khu vực khi cho phép thương mại hóa cà chua chỉnh sửa gene giàu GABA vào năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia có số lượng nghiên cứu về cây trồng chỉnh sửa gene nhiều nhất trên thế giới - đã đơn giản hóa thủ tục cấp phép cho cây trồng chỉnh sửa gene, dù chịu sự quản lý chung với cây trồng biến đổi gene. Nước này cũng đã cấp phép thương mại hóa đậu tương chỉnh sửa gene giàu oleic và dẫn đầu thế giới về số lượng nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã nhanh chóng rà soát và ban hành các hướng dẫn pháp lý cho công nghệ chỉnh sửa gene. Philippines dẫn đầu khu vực khi đưa ra hướng dẫn pháp lý vào năm 2022 và hiện đã cấp phép sử dụng, thương mại hóa một số loại cây trồng chỉnh sửa gene. Gần đây, vào tháng 8.2024, Thái Lan và Singapore cũng thông qua quy định pháp lý cho cây trồng này. Các quốc gia này áp dụng cách tiếp cận dựa trên sản phẩm cuối cùng: nếu cây trồng chỉnh sửa gene không chứa gene ngoại lai hoặc tương tự cây trồng tạo ra từ phương pháp truyền thống, chúng được coi là cây trồng truyền thống và tuân theo các quy định hiện hành dành cho cây trồng thông thường.
“Nhìn chung, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu hướng chung trong hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc châu Mỹ và châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển của các công nghệ mới; đồng thời cần dựa trên đánh giá khoa học để bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường. Các quốc gia này đều đưa ra những khái niệm và phân loại cụ thể đối với các loại cây trồng chỉnh sửa gene. Theo đó, nếu cây trồng chỉnh sửa gene cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được xem xét đánh giá và quản lý như cây trồng truyền thống”, TS. Đặng Ngọc Chi nói.
Châu Âu, dù ban đầu không cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gene, song Ủy ban châu Âu trong năm 2023 đã đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung, tức là coi một số sản phẩm cây trồng tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gene như cây trồng tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống. Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Phi đã đưa ra hướng dẫn pháp lý hoặc đệ trình các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gene.
Việt Nam có thể tham khảo mô hình của các nước láng giềng trong ASEAN
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gene và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hóa tiềm năng của công nghệ đồng thời bảo đảm được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung.
TS. Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á, gợi ý Việt Nam có thể tham khảo mô hình tiên tiến của các quốc gia như Canada, Argentina, Nhật Bản, và đặc biệt là các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN. Quy định về chỉnh sửa gene tại Philippines và Singapore có nhiều ưu điểm, là những mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam. Việc áp dụng các quy định này giúp tối ưu hóa hiệu quả của công nghệ chỉnh sửa gene trong phát triển nông nghiệp bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại với những thách thức về môi trường, khí hậu và kinh tế toàn cầu.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, giống cây trồng được tạo ra bằng những phương pháp cải tiến không nên được đánh giá và quy định khác biệt so với cây trồng thông thường nếu chúng là tương đương hoặc không thể phân biệt so với giống cây được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
“Nếu sản phẩm cuối được tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gene (cây trồng chỉnh sửa gene) không chứa một tổ hợp vật liệu di truyền mới hoặc sản phẩm cây trồng cuối chỉ mang đoạn chèn bền vững của vật liệu di truyền được kế thừa từ các giống trong cùng loài; hoặc bất kỳ hình thức nào liên quan đến đột biến thì sẽ được quản lý như cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo truyền thống”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam đề xuất.
Từ kinh nghiệm và cách tiếp cận của một số quốc gia, TS. Đặng Ngọc Chi cho rằng, Việt Nam cần tiến hành rà soát và điều chỉnh các quy định liên quan đến quản lý cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là cây trồng chỉnh sửa gene, tại Luật Đa dạng sinh học, Luật Trồng trọt và các văn bản hướng dẫn hai luật này.
Cụ thể, cần làm rõ khái niệm từng loại cây trồng được tạo ra từ các kỹ thuật khác nhau, như cây trồng biến đổi gene, cây trồng chỉnh sửa gene, và cây trồng lai tạo tiên tiến (nếu cần). Dựa trên đó sẽ bổ sung hoặc điều chỉnh các quy định quản lý phù hợp với từng loại cây trồng. Ví dụ, cây trồng chỉnh sửa gene không chứa DNA ngoại lai có thể không cần chịu sự quản lý như cây trồng biến đổi gene hoặc được xem tương đồng với cây trồng tạo ra từ phương pháp lai truyền thống. Đồng thời, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy canh tác và ứng dụng cây trồng chỉnh sửa gene, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Cây trồng chỉnh sửa gene, một thành tựu tiêu biểu của công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đang mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc sớm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, mở đường cho loại cây trồng này sẽ giúp Việt Nam ứng dụng thành công các công nghệ sinh học tiên tiến, góp phần tăng khả năng chống chịu thiên tai, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân, đồng thời mang lại nguồn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng cho người tiêu dùng.