“Đã có nền tảng vững chắc để tiến xa hơn…”
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Với định hướng đó, nhiều viện khoa học cùng các doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra những giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận.
Các thành tựu nổi bật tính tới thời điểm hiện tại có thể kể tới việc nâng cao tính chịu mặn của cây lúa, nâng cao hàm lượng đường và amino acid trong quả cà chua, nâng cao tính kháng bệnh virus trên thuốc lá (Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); nâng cao tính kháng bệnh bạc lá trên giống lúa bản địa (Viện Di truyền nông nghiệp); nghiên cứu chức năng gene trên lúa và dưa chuột (Viện Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)...
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị khác như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh... cũng đang tiếp cận và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas trong cải tạo các tính trạng quan trọng của cây trồng.
TS. Đỗ Tiến Phát, Trưởng Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học cho biết, thông qua hợp tác với các viện, đại học lớn của Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Bỉ, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công công nghệ chỉnh sửa gene trên cây đậu tương, lúa, cà chua, thuốc lá và dưa chuột. Nhiều sản phẩm triển vọng đang được đánh giá ở giai đoạn nhà lưới, nhà kính có kiểm soát an toàn sinh học để hướng tới ứng dụng trong tương lai.
Điển hình là nhóm nghiên cứu đã chỉnh sửa gene, gây đột biến trên giống đậu tương ĐT26, cho ra đời giống đậu mới có hàm lượng đường khó tiêu giảm từ 30 - 50%. “Quan trọng nhất, theo quan sát của chúng tôi, tính trạng nông - sinh học vốn có của cây đậu tương vẫn duy trì qua nhiều thế hệ, không bị thay đổi”, TS. Đỗ Tiến Phát khẳng định và kỳ vọng những giống này sẽ sớm được đưa vào thực tiễn, phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp để phát triển các dòng đậu tương đột biến hàm lượng dinh dưỡng Omega - 9 tăng vọt trên 80%, so với giống gốc chỉ 20%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu giống đậu tương chỉnh sửa gene của Mỹ và Trung Quốc đã được thương mại hóa gần đây.
Đối với bệnh bạc lá - loại bệnh hại lúa nghiêm trọng nhất ở nước ta và hầu hết giống lúa chủ lực hiện nay đều mẫn cảm với bệnh này, TS. Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học Phân tử (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết: bằng cách gây đột biến chính xác vào vùng khởi động của hai gene nhiễm OsSWEET13 và OsSWEET14, các nhà khoa học của Viện đã cải thiện tính kháng bạc lá phổ rộng cho giống lúa TBR225. Đặc biệt, các dòng lúa TBR225 đột biến vẫn giữ nguyên đặc tính nông sinh học và chất lượng giống như ban đầu, khắc phục hoàn toàn nhược điểm của các phương pháp chọn giống trước đây.
Những bước tiến trong ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene đã chứng minh tiềm năng lớn lao của Việt Nam trong việc cải thiện các giống cây trồng, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại. “Khi đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ chỉnh sửa gene, Việt Nam đã có nền tảng vững chắc để tiếp tục tiến xa hơn”, GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nhận xét.
Tuy vậy, con đường từ phòng thí nghiệm đến ruộng đồng của cây trồng chỉnh sửa gene vẫn "rất dài và rất xa" do chưa có hành lang pháp lý.
“Chúng tôi vẫn đang đợi khung pháp lý”
Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý với cây trồng chỉnh sửa gene, đi đầu là các quốc gia phát triển ở châu Mỹ, Australia. Ở châu Á, nhiều nước cũng đã hoàn thiện khung pháp lý cho các loại cây trồng này, coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể về đánh giá và quản lý cây trồng chỉnh sửa gene. Điều này khiến lộ trình ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, tức là đã được ghi nhận. Nhưng vì chưa có cơ sở pháp lý nên các nhà khoa học như chúng tôi chưa thể đưa giống cây trồng chỉnh sửa gene vào sản xuất và thương mại hóa nghiên cứu của mình”, TS. Đỗ Tiến Phát cho biết.
Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gene sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước. Trên thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp muốn đưa cây thuốc lá và giống lúa chỉnh sửa gene vào sản xuất vì có những tính trạng đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu đã “bất thành” vì thiếu hành lang pháp lý.
Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết, nhiều thành viên của Hiệp hội quan tâm đến cây trồng chỉnh sửa gene. Các doanh nghiệp mong muốn tham gia cùng các Viện, các nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene để cải tạo các giống nền đã được lưu hành và đang có diện tích lớn ngoài sản xuất, giống được nông dân ưa chuộng và đáp ứng yêu cầu thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể đặt hàng các viện nghiên cứu nhằm chọn tạo các giống khác biệt để tạo dựng thương hiệu của mình.
Nhưng điều quan trọng là “Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế để doanh nghiệp an tâm khi ứng dụng và hợp tác trong nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng bằng công nghệ chỉnh sửa gene”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam nhấn mạnh.
Các chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gene để tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm này tại thị trường trong nước. “Chúng tôi không muốn các nghiên cứu đã được công nhận của mình cứ nằm mãi ở phòng thí nghiệm, bởi như vậy thì không có động lực và cũng không có tiền để nghiên cứu tiếp. Hy vọng cơ quan quản lý có cái nhìn rõ ràng hơn ở góc độ khoa học và sản xuất để giúp các nhà khoa học nhanh chóng đưa sản phẩm của mình ra thực tế, phục vụ cộng đồng”, TS. Đỗ Tiến Phát bày tỏ.
Nếu có hành lang pháp lý phù hợp, cởi mở hơn, TS. Nguyễn Duy Phương, Viện Di truyền Nông nghiệp, tin rằng công nghệ chỉnh sửa gene sẽ giúp tạo ra những thế hệ cây trồng mới. Và, nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được sớm đi vào thực tiễn sản xuất thay vì vẫn nằm lại phòng thí nghiệm như hiện nay.