Thực trạng và xu hướng thị trường lao động
Hiện nay, lực lượng lao động cả nước có 51,6 triệu người, lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu lao động. Tuy nhiên, chỉ có 16,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, có khoảng 9 triệu lao động làm công hưởng lương hiện không hoặc chưa tham gia bảo hiểm xã hội và trên 35 triệu lao động - chiếm 2/3 lực lượng cả nước là chưa được nắm thông tin, pháp luật hiện hành và chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh đối với các nhóm lao động này khi làm cơ sở hoạch định và triển khai các chính sách hỗ trợ, như các gói an sinh xã hội trong giai đoạn Covid-19.
Trong khi đó, tại Chương II của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động, trong đó nội dung về quản lý lao động ở đây chỉ quy định về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động - trong trường hợp có giao kết hợp đồng lao động mà chưa quy định rõ đối với các trường hợp người lao động tự làm, không có giao kết hợp đồng lao động, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong quản lý lao động.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017. Chỉ tính đến năm 2020 thì cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi, chiếm 11,86% dân số. Dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định liên quan vẫn khá hạn chế.
Từ thực trạng trên cho thấy, việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.
Những thách thức đặt ra yêu cầu mới
Thế giới hiện đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Cụ thể, ngay trong đại dịch Covid-19 đã tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Theo đó, phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao như công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính,... đến những việc làm với trình độ phổ thông như giao hàng, bán hàng online... Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tiết thị trường lao động; thúc đẩy các hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng ...
Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam tính đến hết năm 2021, cả nước có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm cả nước, so với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này vẫn ở mức cao. Gần 3/4 lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 77,9%, nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành là công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng và bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy.
Lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức là 6 triệu lao động, hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội chiếm 97,8%, trong đó 35,5% lao động làm công ăn lương; chỉ có 0,1% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 2,1% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 7.11.2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lao động có việc làm phi chính thức được xác định là những người thuộc một trong các nhóm: lao động gia đình không được hưởng lương hưởng công; chủ cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng lao động nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động tự làm hoặc lao động làm công hưởng lương trong các hộ gia đình hoặc hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Vấn đề trên đang đặt ra cho Luật Việc làm cần phải bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, góp phần từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.