Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bạch hầu sẽ không gây ra đại dịch giống như Covid-19

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nguy cơ, khả năng lây nhiễm của bạch hầu thấp hơn rất nhiều so với Covid-19. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng có thể xuất hiện các vụ dịch bạch hầu rải rác, nhưng sẽ không gây ra được một đại dịch giống như Covid-19.

Những ngày qua, một số địa phương trên cả nước liên tiếp ghi nhận các ca bệnh bạch hầu. Theo đó, địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Tại tỉnh Bắc Giang cũng phát hiện 2 ca bệnh dương tính với bạch hầu (một ca là F1 của trường hợp tử vong tại Nghệ An nêu trên, một ca do tiếp xúc với trường hợp F1).

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có công văn gửi các đơn vị, yêu cầu chủ động tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu, cũng như các giải pháp chủ động phòng tránh căn bệnh này.

Sẽ không gây ra một đại dịch giống như Covid-19

- Thưa BSCKII Nguyễn Trung Cấp. Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh bạch hầu tại Việt Nam hiện nay? Mức độ lây lan của dịch này liệu có nguy hiểm như dịch Covid-19?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn bạch hầu có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp, tức là khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi có thể bắn ra các giọt nước mang theo vi khuẩn; khi người khác hít phải có thể bị nhiễm vi khuẩn này.

Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, bởi ở nhóm bệnh nhân chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc mất hiệu lực tiêm chủng thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 10 - 20%, tức là cao hơn nhiều so với Covid-19.

Tuy nhiên, nguy cơ, khả năng lây nhiễm của bạch hầu lại thấp hơn rất nhiều so với Covid-19. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng có thể xuất hiện các vụ dịch bạch hầu rải rác ở đâu đó, nhưng sẽ không gây ra được một đại dịch giống như Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bạch hầu sẽ không gây ra đại dịch giống như Covid-19 -0
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Đặng Thanh)

- Một số ý kiến thắc mắc rằng: vaccine bạch hầu là vaccine bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, vậy tại sao vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh bạch hầu như hiện nay? Ông có thể lý giải về điều này?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Chúng ta biết rằng, hiệu lực bảo vệ của vaccine bạch hầu được ít nhất 10 năm. Do đó, nếu đã tiêm nhiều năm, sẽ có một số người kháng thể bảo vệ sụt giảm và vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu.

Vì vậy, với một người đã thực hiện đủ theo chương trình Tiêm chủng mở rộng thì sau một thời gian, hiệu lực bảo vệ của vaccine giảm đi, chúng ta vẫn có thể tiêm nhắc lại nếu ở những khu vực đang có hoặc sẽ có nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu.

Bên cạnh đó, không phải chương trình Tiêm chủng mở rộng có thể bao phủ được 100% số đối tượng. Vẫn có một tỷ lệ nhất định các đối tượng không đảm bảo việc tiêm chủng đủ 5 mũi của Tiêm chủng mở rộng nên không có được sự bảo vệ đầy đủ. Và những người này khi tiếp xúc, bị nhiễm bệnh bạch hầu thì có nguy cơ lây nhiễm cao hơn những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh bạch hầu

- Bác sĩ có thể cho biết một số dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh bạch hầu?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.

Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Họng bệnh nhân có thể xuất hiện vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: đau họng (85-90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân; khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau ở 26 - 40%.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.

Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Bạch hầu sẽ không gây ra đại dịch giống như Covid-19 -0
Họng bệnh nhân bạch hầu có thể xuất hiện vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc, bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng (Hình minh họa)

- Biến chứng của bệnh bạch hầu là gì, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Đa số bệnh nhân bạch hầu sau đó sẽ dần hồi phục, nhưng có một tỷ lệ nhất định sẽ diễn biến nặng lên, trở thành bệnh bạch hầu nặng.

Thể bệnh bạch hầu nặng có thể gây 3 biến chứng rất nghiêm trọng. Thứ nhất là tình trạng giả mạc phát triển nhanh và lan tỏa xuống đường hô hấp, có thể gây bít tắc đường hô hấp.

Giả mạc lan xuống thanh môn, gây viêm phù thanh môn và tắc thanh môn, khiến bệnh nhân không thở được hoặc phản ứng viêm tại chỗ quá lớn, gây viêm phù, có thể gây chít hẹp thanh môn, gây khó thở cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng ra, bệnh nhân hít phải gây sặc, tắc đường thở.

Nguy cơ thứ hai là viêm cơ tim. Độc tố bạch hầu gây tác động mạnh tới cơ tim. Bệnh nhân nếu bị bạch hầu thể ác tính gây viêm cơ tim có thể dẫn đến tình trạng suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng hoặc ngừng tim.

Một thể tổn thương nữa cũng có thể gặp trong bạch hầu nặng là tổn thương thận. Bệnh nhân bị tổn thương ống thận, sau đó dẫn đến tình trạng suy thận cấp. Những bệnh nhân suy thận nặng bắt buộc phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ như lọc máu để đảm bảo thay thế được chức năng thận cho đến khi chức năng này được hồi phục.

Ngoài ra, một số bệnh nhân sau khi mắc bệnh bạch hầu có thể có di chứng viêm đa dây thần kinh kéo dài.

Vì sao người bệnh bạch hầu không nên tự cách ly tại nhà?

- Người mắc bệnh bạch hầu có bắt buộc cần đến cơ sở y tế hay không, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.

Với người bệnh đã được xác định dương tính với bạch hầu cần đến các cơ sở y tế để theo dõi và nhất là khi đã có các triệu chứng lâm sàng thì cần đến điều trị. Bệnh nhân bạch hầu được sử dụng kháng sinh sớm, được sử dụng kháng độc tố sớm sẽ có cơ hội giảm được rất nhiều nguy cơ diễn tiến nặng.

Nếu bệnh nhân tự cách ly ở nhà, bệnh diễn biến sang giai đoạn nặng và muộn, khi đã xuất hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân thì lúc đó, các thuốc kháng độc tố bạch hầu sẽ không còn tác dụng.

- Với những người đã từng mắc bệnh bạch hầu trước đây có nguy cơ tái nhiễm bệnh hay không, thưa bác sĩ?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Bạch hầu gây bệnh chủ yếu thông qua độc tố, còn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể không nhiều. Cho nên, sau khi bị nhiễm bệnh bạch hầu thì miễn dịch tạo ra không đủ mạnh.

Do đó, chúng ta không thể chủ quan rằng đã từng bị nhiễm bạch hầu là sẽ không bị lại lần nữa. Vaccine là quan trọng nhất để phòng bệnh bạch hầu.

- Bác sĩ có thể đưa ra một số lời khuyên cho người dân để chủ động phòng tránh bệnh bạch hầu?

BSCKII Nguyễn Trung Cấp: Để phòng tránh bệnh bạch hầu, quan trọng nhất vẫn là vaccine. Khi chúng ta tiêm đầy đủ vaccine thì có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc nếu nhiễm bệnh thì diễn biến bệnh cũng nhẹ.

Bệnh bạch hầu có vaccine phòng bệnh. Vaccine DTaP đã sẵn có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vaccine kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm, hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần và người dân có thể tiêm nhắc lại với riêng vaccine bạch hầu cho những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh nhân bị bạch hầu cao như các thầy thuốc phải khám chữa bệnh nhân bạch hầu, những cư dân trong vùng có bùng phát dịch bạch hầu,...

Tuy nhiên, người dân không nên tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế. Trong trường hợp cần thiết, nên liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.

Nếu có tiếp xúc gần với người bệnh được xác định mắc bạch hầu, người dân nên thực hiện việc cách ly để tránh gây lây lan cho người khác. Một số trường hợp sau giai đoạn tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu có thể được chỉ định uống kháng sinh dự phòng để giúp ngăn các vi khuẩn phát triển lên gây bệnh.

Người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt; người bệnh đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi,...

Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dung kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin.

- Trân trọng cảm ơn BSCKII Nguyễn Trung Cấp đã chia sẻ!

Sức khỏe

Bộ Y tế họp khẩn trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh sởi
Sức khỏe

40/53 tỉnh, thành phố hoàn thành tỷ lệ tiêm vaccine trên 95%

Đó là thông tin Bộ Y tế cập nhật về tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh Sởi. Kết quả trên cũng cho thấy Bộ Y tế đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng trên.

Bộ Y tế gửi công văn khẩn vụ bác sĩ ở Gia Lai bị hành hung
Sức khỏe

Bộ Y tế gửi công văn khẩn vụ bác sĩ ở Gia Lai bị hành hung

Hôm nay 2.4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai về việc đảm bảo an ninh, trật tự trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau vụ việc một bác sĩ tại đơn vị Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) bị hành hung ngày 31.3.

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận
Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn vụ du khách nghi ngộ độc rượu ở Ninh Thuận

Liên quan tới vụ việc 6 vị khách du lịch bị nghi ngộ độc khi đi du lịch tại Ninh Thuận, tối ngày 1.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Quảng Ninh: Mục sở thị quy trình "vẽ bệnh" nhạy cảm, hù doạ bệnh nhân để "moi tiền" tại phòng khám ngay trung tâm TP Hạ Long
Xã hội

Quảng Ninh: Mục sở thị quy trình "vẽ bệnh" nhạy cảm, hù doạ bệnh nhân để "moi tiền" tại phòng khám ngay trung tâm TP Hạ Long

Không có sổ khám bệnh, lấy máu không đeo găng tay y tế, “vẽ bệnh” hù doạ bệnh nhân để moi tiền … là những thông tin nhóm PV điều tra Báo Đại biểu Nhân dân thu thập được tại Phòng khám đa khoa Hoàng Anh, Tổ 2, khu 4A (phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Sởi ủ bệnh trong bao lâu?
Sức khỏe

Sởi ủ bệnh trong bao lâu?

Sởi là căn bệnh truyền nhiễm dễ gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh nhi chưa bị sởi lần nào hoặc chưa được tiêm vaccine phòng sởi thường dễ bị loại virus này tấn công. Vì vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ bệnh có thể bùng phát thành dịch gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả cộng đồng.

Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong chế biến suất ăn học sinh từng trượt thầu vì vi phạm về nguồn gốc thực phẩm
Sức khỏe

Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong chế biến suất ăn học sinh từng trượt thầu vì vi phạm về nguồn gốc thực phẩm

Không chỉ từng trượt thầu vì hồ sơ vi phạm điều cấm của Luật An toàn thực phẩm, Công ty Cổ phần Quốc tế Haseca Mekong còn bị trượt thầu do vi phạm về nguồn gốc thực phẩm. Địa điểm chế biến suất ăn bán trú cho học sinh tại nhà xưởng nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Giãn tĩnh mạch tinh ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới: Bác sĩ hướng dẫn cách kiểm tra tại nhà
Sức khỏe

Giãn tĩnh mạch tinh ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới: Bác sĩ hướng dẫn cách kiểm tra tại nhà

Giãn tĩnh mạch tinh (TMT) là một trong những vấn đề nam khoa phổ biến và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lý, sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, giãn tĩnh mạch tinh đôi khi không có triệu chứng rõ rệt, vì vậy việc phát hiện sớm và theo dõi tình trạng có thể giúp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.