Mở rộng đầu tư
Kết thúc năm 2024, Agribank hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao, là năm đạt kết quả cao nhất sau 4 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (tăng gần 10%); huy động vốn vượt mốc 2 triệu tỷ đồng (tăng 7,6%); tín dụng đạt 1,72 triệu tỷ đồng (tăng 170 nghìn tỷ đồng, tương đương 11%); nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 47 nghìn tỷ đồng. Agribank đã được Quốc hội, Chính phủ cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, góp phần nâng cao năng lực tài chính.

Theo Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, năm 2025 sẽ là một năm đầy biến động với sự thay đổi về chính sách, quan hệ thương mại của các nước lớn trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ; trong đó, yếu tố tỷ giá và lãi suất sẽ tạo những ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong năm 2025, Agribank đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%).
Ông Phạm Toàn Vượng cho biết, ngoài đối tượng truyền thống là nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Agribank sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm đầu tư phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt..., các dự án năng lượng tái tạo. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, cho vay lĩnh vực lâm thủy sản, Đề án phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030...

Ngay đầu năm 2025, Agribank triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Cùng với đó, Agribank sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế. Ngay đầu năm 2025, Agribank đã triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.
Cần bổ sung vốn...
Với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu dư nợ hàng năm của Agribank tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung 15.000 - 17.000 tỷ đồng vốn tự có.

Ngay đầu năm 2025, Agribank triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Do đó, Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước; trong đó, xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025, để Agribank có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các dự án trọng điểm, dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp...
Liên quan đến các vướng mắc về mặt pháp lý, thể chế, Agribank kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 03/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1.1.2025) để tháo gỡ các khó khăn cho Agribank, có thể sớm cổ phần hóa. Bên cạnh đó, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, xuống dưới 3% còn gặp nhiều thách thức; việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng cũng như Agribank hiện còn chưa được luật hóa đầy đủ; Agribank kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu…

Ngay đầu năm 2025, Agribank triển khai 9 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Riêng đối với Đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã sẵn sàng cung ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ tài chính để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, Agribank mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành địa phương ưu tiên, hỗ trợ, ủng hộ Agribank là ngân hàng phục vụ nguồn vốn của Đề án, bao gồm cả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay nước ngoài; cũng như ưu tiên, hỗ trợ các Chi nhánh Agribank trên địa bàn triển khai, tiếp cận nguồn vốn là các chi phí quản lý tài chính, nguồn chi trả cho các đơn vị tham gia dự án thuộc Đề án.
Mặt khác, hỗ trợ Agribank trong việc giới thiệu doanh nghiệp đầu mối liên kết tham gia Đề án; bổ sung các khu, vùng chuyên canh lúa theo Đề án vào danh mục vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi riêng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…