Agribank hỗ trợ nông dân hiện đại hóa sản xuất
Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị đặt nền móng cho sự phát triển đột phá trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “tam nông”, Agribank đang thể hiện vai trò tiên phong trong việc đưa các chính sách vào thực tiễn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi quy mô lớn, đồng hành với hàng triệu nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại hóa sản xuất.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, với những yêu cầu khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xu hướng sản xuất xanh – sạch – bền vững. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không còn là lựa chọn, mà là lối thoát cần thiết giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị, giảm phụ thuộc vào thời tiết và thị trường truyền thống.
Trong Nghị quyết 57, Bộ Chính trị yêu cầu “đẩy mạnh sản xuất thông minh trong nông nghiệp”. Tại tọa đàm “Phát triển nông nghiệp thông minh: Đột phá từ Nghị quyết 57” do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Nghị quyết 57 sẽ tạo ra “luồng sinh khí mới”, giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thông minh.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần một lực đẩy lớn về chính sách tài chính – tín dụng, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý để đầu tư máy móc, nhà kính, hệ thống tưới tự động, công nghệ sinh học, truy xuất nguồn gốc… Đây cũng là lúc vai trò của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng nhà nước như Agribank, trở nên đặc biệt quan trọng.
Agribank là ngân hàng tiên phong triển khai gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống…
Đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 25.000 tỷ đồng với hơn 40.000 lượt khách hàng vay vốn (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại...). Nguồn vốn này đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho nhiều mô hình nông nghiệp mới. Ở Long An, câu chuyện ông Lê Văn Dể (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa) bỏ công việc ổn định, về quê trồng rau sạch, xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại – là một minh chứng sống động. Hay như ông Nguyễn Đình Quỳnh (Nghệ An) mạnh dạn vay 4,5 tỷ đồng để trồng bí xanh công nghệ cao, nay đã vào top nông dân thu nhập tiền tỷ.
Nguồn vốn của Agribank còn đã góp phần phát triển một số dự án lớn như: dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long với doanh số cho vay hơn 4.100 tỷ đồng; các dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận là hơn 3.700 tỷ đồng; dự án chế biến và kinh doanh lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp gần 2.300 tỷ đồng; các dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại tỉnh Hà Nam có doanh số cho vay lên tới gần 5.000 tỷ đồng; các dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang là trên 3.500 tỷ đồng.
Các mô hình sản xuất do Agribank đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực như: trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng); chế biến rau quả (Ninh Bình); cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ); chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai…); trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi); sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi heo, gà đẻ trứng (Bình Phước, Thanh Hóa); trồng chanh dây, hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Kon Tum); trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap ở Bình Thuận…
Hiện nay, Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện, trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Agribank đã triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia Đề án với mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với từng đối tượng khách hàng.
Từ những cánh đồng lúa bạt ngàn ở Cần Thơ, những trang trại rau công nghệ cao ở Đồng Tháp, Hà Tĩnh đến những con tàu vươn khơi xa của ngư dân Nam Định, Quảng Ngãi,... đâu đâu cũng in đậm dấu ấn Agribank.
Và trong hành trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp từ “lượng” sang “chất”, vai trò của hệ thống tài chính – ngân hàng, đặc biệt là những “cánh tay nối dài” như Agribank, sẽ tiếp tục là điểm tựa quan trọng, như tinh thần Nghị quyết 57 đã khẳng định: muốn đi nhanh, phải đi cùng công nghệ; muốn đi xa, phải đi cùng nhân dân.