Ách tắc từ đâu?

Minh Vân 25/07/2015 08:20

Cống thoát nước để làm gì? Cống thoát nước thì đương nhiên là để thoát nước rồi. Vậy nếu nó tắc thì sao? Thì phải thông. Nhưng điều tưởng như hiển nhiên này lại không hề hiển nhiên hơn hai năm qua ngay tại Thủ đô…

Chuyện rằng, ngôi nhà số 146 Quán Thánh - Hà Nội có một đường cống thoát nước chạy từ sân chung dưới nền nhà của 3 gia đình sau đó đổ ra cống thoát ở phố Đặng Dung. Theo phản ánh của người dân, trải qua mấy chục năm, hệ thống thoát nước này vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên từ  tháng 7.2013, nơi đây bắt đầu xảy ra tình trạng ngập úng… Qua kiểm tra sơ bộ của các hộ dân sống trong số nhà 146, họ phát hiện cống thoát nước đoạn qua một hộ dân có dấu hiệu bị chặn. Do vậy, các hộ dân đã làm đơn gửi UBND phường Quán Thánh và quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xử lý. Việc tưởng như đơn giản nhưng kéo dài tới hơn 2 năm mà vẫn chưa đến hồi kết.

Cống tắc thì phải thông, đó là chuyện đương nhiên, nhưng trước khi thông phải xác định nguyên nhân tắc là gì và tắc ở chỗ nào. Để tìm nguyên nhân, cuối tháng 6 vừa qua, Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình, Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải huy động lực lượng, các phương tiện hiện đại nhất để dò tìm nhằm xác định nguyên nhân, vị trí tắc để báo cáo TP và lên phương án xử lý.

Nguyên nhân chiếc cống không thực hiện được chức năng thoát nước đó là do có một đoạn dưới nền nhà một hộ dân bị tắc. Những tưởng khi đã xác định được nguyên nhân và vị trí bị tắc thì việc xử lý là quá dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế lại không. Chính quyền đề nghị hai phương án: xây dựng đường cống thoát nước mới; hoặc khắc phục đường ống cũ. Các hộ dân lại đề nghị làm rõ cống tắc là do tự nhiên hay do tác động của con người. Uẩn khúc là từ đó.

Một số ý kiến thì cho rằng, nguyên nhân là do vướng mắc của các hộ với nhau; ý kiến khác thì cho rằng do tổng hợp của các nguyên nhân: vướng mắc của các hộ dân; cách giải quyết vấn đề của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát tìm hiểu thực chất vấn đề là gì, từ đó có biện pháp thích hợp.

Vụ việc có lẽ được giải quyết từ lâu chứ không cần qua quá nhiều ban bệ, thậm chí tới cả Thủ tướng Chính phủ như thế nếu như ngay từ đầu chính quyền sở tại quyết liệt hơn, gần dân hơn để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các bên liên quan.

Xã hội vận hành như một cỗ máy, trong đó có nhiều khâu, nhiều mắt xích liên kết chặt chẽ với nhau, tương hỗ lẫn nhau. Nếu một khâu, một mắt xích hoạt động “lệch chuẩn” thì cỗ máy sẽ vận hành kém hiệu quả, thậm chí hoàn toàn bị tê liệt. Không khó để thấy rằng, hiện nay trong xã hội tồn tại quá nhiều “điểm ách tắc” mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì một nhân viên văn phòng, một chuyên viên - những mắt xích trong hệ thống. Về lý thuyết, khắc phục không khó. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác. Đó là mỗi khâu, mỗi mắt xích chưa thực sự hoặc cũng có thể là chưa muốn, chưa đủ năng lực để thực hiện đúng chức phận của mình; là những mối quan hệ để duy trì các mắt xích đó - dù hoạt động không hiệu quả.

Muốn hệ thống vận hành hiệu quả, giảm thiểu những điểm ách tắc không đáng có, ngoài cơ chế, thì những mắt xích trong hệ thống đó phải hoạt động hiệu quả. Và quan trọng hơn là phải dám thay thế những mắt xích làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ách tắc từ đâu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO