Chủ động, gương mẫu trong thúc đẩy các hoạt động của IPU
Quốc hội Việt Nam xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Quốc hội Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
Trong 45 năm là thành viên của IPU, Quốc hội Việt Nam chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các kỳ họp Ðại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của IPU. Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề của IPU như hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc bảo vệ trẻ em" năm 2006; Hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS" năm 2009. Ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, Trưởng tiểu ban thông tin tuyên truyền IPU-132, cho biết: Quốc hội Việt Nam từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong IPU và thể hiện qua việc đăng cai tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề của IPU như các hội nghị chuyên đề về vấn đề sức khỏe, bình đẳng giới. Từ đấy cùng với việc khẳng định vị thế vai trò của mình, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện được tính chủ động, tích cực trong IPU.
Có được sự tín nhiệm cao trong IPU
Với những đóng góp tích cực của mình, Quốc hội Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Nhóm địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2006, trực tiếp điều phối các hoạt động chung của 27 Nghị viện thành viên IPU tại khu vực này.
Tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao, năm 2007, Ðại hội đồng IPU-117 bầu đại diện của Quốc hội Việt Nam vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 2007 - 2011 và bầu làm Phó Chủ tịch IPU năm 2009. Qua đó, Việt Nam có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU như đưa ra nhiều sáng kiến trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam Ngô Quang Xuân từng chia sẻ: “Chúng tôi có thể tự hào mà nói Quốc hội Việt Nam đã ngày càng trở thành thành viên tích cực, một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức đa phương này bởi vậy cho nên chúng ta không những tham gia đầy đủ các hoạt động của cơ chế này mà đồng thời càng ngày càng đưa nhiều ý kiến, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Đó là lý do chúng ta được bầu vào các cơ chế lãnh đạo của IPU”.
Tổ chức thành công các hội nghị quan trọng
Sự ghi nhận đối với đóng góp quan trọng của Việt Nam trong IPU được thể hiện đậm nét khi Việt Nam được trao quyền đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội năm 2015. Với chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”, Hội nghị đã thông qua một loạt nghị quyết quan trọng và ra Tuyên bố Hà Nội. Văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng được thông qua lần này mang ý nghĩa lớn lao và ghi dấu ấn của Quốc hội Việt Nam bởi được chính Quốc hội Việt Nam đề xuất; được thông qua tại Hà Nội và được Ban Thư ký IPU trình lên Liên Hợp Quốc để góp ý vào việc xác định các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Đây là di sản lớn; thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.
8 năm sau khi đăng cai Đại hội đồng IPU-132, Quốc hội Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hội nghị về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sau 9 kỳ tổ chức, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.