Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022)

Bác Hồ làm báo - Kỳ 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí

- Chủ Nhật, 19/06/2022, 05:54 - Chia sẻ

Ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để tìm đường cứu nước. Trên con đường tìm tòi ấy, Người đã nhận thấy một lực lượng tiên phong và vô song của cách mạng, đó là báo chí.

“Không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào chính trị”

Bác Hồ từng kể, tại Paris trước năm 1917, Bác muốn tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và các xứ thuộc địa nhưng không biết làm cách nào. Một đồng chí công nhân ở tòa báo Đời sống thợ thuyền (La Vie d'Ouvriers) cho Bác biết ở báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ năm, ba dòng và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn, mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng.

Bác bước vào làng báo từ năm 1917, dưới sự giúp đỡ của những nhà báo lớn như Marcel Cachin, chủ bút báo L' Humanité (Nhân đạo), Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, Chủ nhiệm báo Populaire (Dân chúng), Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, chủ bút báo La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền)... Rồi khi đọc Lênin, Bác càng đinh ninh chân lý: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào chính trị”.

Theo dõi hoạt động cách mạng của Bác, theo dõi những bài báo sục sôi tính chiến đấu của Bác, viên mật thám Arnous ở Bộ Thuộc địa Pháp đã thốt lên: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương” (Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, NXB Thanh niên, 2011, tr.58). Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy.

Năm 2022, tròn 100 năm báo Người cùng khổ (Le Paria) là tờ báo do Bác sáng lập, số 1 ra ngày 1.4.1922 tuyên bố “Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”! Năm 1925, Bác sáng lập báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên ra số đầu ngày 21.6.1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc, là tờ báo huấn luyện cán bộ, kêu gọi đồng bào tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mỗi số báo đều nêu những vấn đề cụ thể, cấp bách của cách mạng giải phóng dân tộc. Số 2 ra ngày 28.6.1925 viết: “Cách mệnh là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh”. Tiếp đến là “Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi! (số 63 ngày 3.10.1926); “Chỉ có Đảng Cộng sản mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam” (số 61 ra ngày 19.7.1926)...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, 8.9.1962 - Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, 8.9.1962
Ảnh: Tư liệu

“Nói đến báo chí, trước hết là nói đến cán bộ báo chí”

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kể: đồng chí Hoàng Tùng, Phan Quang... được giao chọn một ngày truyền thống cho báo giới. Ngày đó đương nhiên là ngày Bác Hồ xuất bản tờ báo vận động cách mạng. Các ông đắn đo, cân nhắc, và bày tỏ băn khoăn với đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Trường Chinh cho ý kiến: Le Paria và Thanh Niên đều do Bác sáng lập, đều tốt; báo Le Paria thì ra đời sớm hơn, nhưng sau khi Bác đi Liên Xô không trực tiếp làm nữa, có nhiều bài không gần gũi với nước ta. Nên chọn ngày ra đời báo Thanh Niên vì nó trực tiếp, gần gũi với sự nghiệp cách mạng của nước ta, Đảng ta. Và Ban Bí thư đã quyết định cho phép lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam, sau này mới đổi thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng coi báo chí là vũ khí, là lực lượng đặc biệt quan trọng của cách mạng, người làm báo trước hết là một chiến sĩ cách mạng, là một tư tưởng xuyên suốt của Bác mà mỗi dịp 21.6, những người làm báo càng thấm thía một cách sâu sắc: “Nói đến báo chí, trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí” (Bài nói tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, 16.4.1959).

Báo chí cần đấu tranh với cái gì, bảo vệ cái gì? Bác chỉ rõ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (1947).

Nhà báo, nhà văn chân chính ai cũng khao khát được tự do, không muốn làm một ngọn bút nô, không muốn bị gò ép, hay nói như một số luận điệu của những thế lực thù địch rằng, văn học, báo chí cộng sản là công cụ tuyên truyền, là bị Đảng cầm tay, chỉ việc. Tự do sáng tạo bị cấm đoán. Nhưng hiểu tự do và sự thật thế nào cho đúng? Điều này không phải ở đâu, lúc nào chúng ta cũng nhận ra giữa sương mờ thời cuộc và sương mờ trong chính nhận thức của người viết.

Bác đã “mở mắt, mở tai” cho ta. Trong bài nói tại lớp nghiên cứu chính trị Khóa I, Trường ĐH Nhân dân Việt Nam ngày 21.7.1956, Bác khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.

Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, quyền tự do tư tưởng lúc ấy, hóa ra là quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức không phải chân lý”.

Bác không chỉ đòi hỏi người viết báo là chiến sĩ cách mạng, tờ báo chỉ hừng hực lửa đấu tranh. Trả lời phỏng vấn báo chí năm 1946, Bác nói một cách hình ảnh: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. 

Tổng kết lao động của nhà báo

Bác là người đầu tiên tổng kết lao động của nhà báo. Trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 9.6.1949, Bác nêu 4 điểm:

1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực;

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người;

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu;

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ.

Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, ngày 16.4.1959, Người quán triệt: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Rèn luyện, giữ vững nhân cách cao đẹp, tu dưỡng phẩm chất chính trị, thường xuyên học tập chính trị để nắm vững xu thế phát triển của đất nước, của thế giới; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, để phản biện, để nêu lên được những vấn đề chính trị đang nảy sinh trong cuộc sống là đòi hỏi số một trong nghề báo, đối với người làm báo không chỉ đối với hôm qua, hôm nay mà còn là của mãi mãi mai sau.

Nguyễn Sĩ Đại