Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2022)

Bác Hồ làm báo - Kỳ cuối: Học Bác làm báo “phò chính trừ tà”

- Thứ Ba, 21/06/2022, 07:04 - Chia sẻ

Học Bác làm báo, trước hết là học làm người. Làm người Việt Nam trước hết phải có lòng yêu nước thương người, trung hiếu như trăng soi vằng vặc.

Nghề báo ngày nay khó khăn nhiều mặt. Có vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách cạm bẫy. Muốn lương thiện cũng không phải dễ, ai cho anh lương thiện? Làm thế nào để không vướng vào sự chăng mắc của các nhóm lợi ích, các đế chế kinh tế và thế lực chính trị?

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến bộ, ngày 13.5.1959 - Nguồn: Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến bộ, ngày 13.5.1959 - Nguồn: Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TL

Lênin từng nói, không thể có tự do báo chí, khi báo chí còn phụ thuộc vào đồng tiền, khi người ta còn "mua và chế tạo ra dư luận". Cuộc đấu với người đã cam go, cuộc đấu với mình còn cam go hơn nhiều. Trong cơ chế thị trường, hiện tượng suy thoái, tự diễn biến trong báo chí ngày càng rõ nét.

Ngày 12.5.2022, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhiều tham luận đã vạch rõ những biểu hiện và nguy hại của chủ nghĩa cá nhân trong báo chí.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, từ thực tiễn làm báo cho rằng, trong mọi thời kỳ, báo chí luôn đóng hai vai, vừa tuyên truyền, vừa tự mình phải thực hiện tốt các nhiệm vụ chung, mà chống chủ nghĩa cá nhân trong hoạt động báo chí hiện nay đã là việc làm bức thiết. Báo chí có sạch, có gương mẫu thì quần chúng mới tin theo, tuyên truyền mới có hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, phải nhận thức rõ, đấu tranh kiên quyết với sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 3.2.1969 (đúng ra, như tên Bác đặt ban đầu là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”), Bác Hồ định nghĩa “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không lo ‘mình vì mọi người’ mà chỉ muốn ‘mọi người vì mình’”. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; mà tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ... Chủ nghĩa cá nhân ngày nay còn đẻ ra các nhóm lợi ích, đẻ ra chủ nghĩa tư bản thân hữu, biến một bộ phận đảng viên lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao thành những kẻ phản bội lý tưởng, phản bội Tổ quốc.

Cách đây 10 năm, trong bài “Báo chí và văn hóa”, nhà báo Hữu Thọ từng chỉ ra rằng: Bên cạnh những vấn đề thương mại hóa và không tôn trọng tôn chỉ, mục đích, thì nổi lên vấn đề đạo đức nghề nghiệp do không có đủ bản lĩnh kháng cự lại những cạm bẫy danh lợi trong nền kinh tế thị trường và sao chép cách làm báo nước ngoài một cách thiếu chọn lọc. Mắc các thủ đoạn lợi dụng trên sẽ dẫn tới viết thuê với nhiều động cơ khác nhau, có khi gây tai họa cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, mất đi tính nhân văn của ngòi bút...

Trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, chúng ta lại càng phải nhớ kỹ lời Bác dạy: Nói đến báo chí là nói đến người cán bộ cách mạng, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân làm mục tiêu. Mà người cán bộ cách mạng phải lấy đạo đức cần, kiệm, liêm, chính làm gốc, “cán bộ là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đó là mấy chữ a, b, c ai cũng biết nhưng nhiều người học cả đời không thuộc, hoặc ngay khi “đỗ vào lớp” đã ngầm phủ nhận. Cần phải kiên quyết kiểm tra những học viên ấy!

Năm 1968, trước lúc gần đi xa, Bác căn dặn những lời thống thiết: “Một dân tộc, một đảng và một con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm này và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tập 15, tr. 672).

Người làm báo thuộc tầng lớp trí thức, là kẻ sĩ trong xã hội. Mà đã là kẻ sĩ thì phải có dũng khí “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, tức giàu sang không quyến rũ, nghèo khó chẳng chuyển lay, uy vũ không khuất phục. Với chí khí ấy, với kiến thức luôn luôn được làm giàu, người làm báo mới có thể học Bác, làm theo Bác trong báo chí với bốn chữ vàng “phò chính trừ tà”.

Học Bác, xây dựng đội ngũ báo chí nhà báo - chiến sĩ, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam có dũng khí, trong sáng, giàu tính nhân văn, không chỉ là công việc của nhà báo, cơ quan báo chí, mà là sự nghiệp của Đảng, của dân và bắt đầu với các nhi đồng, những hạt giống tốt xây đẹp tương lai!

Nguyễn Sĩ Đại