Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Triển khai nhiều giải pháp, mô hình phân loại rác hiệu quả

- Thứ Ba, 27/09/2022, 05:56 - Chia sẻ

Xác định việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt, thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng nhiều mô hình hiệu quả cùng những giải pháp, lộ trình phù hợp, giúp người dân thực hành, làm quen với phân loại rác tại nguồn.

Thay đổi tư duy, cách thức quản lý

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, dân số TP. Hồ Chí Minh tăng cơ học khoảng 200.000 người, kéo theo lượng rác thải đô thị tăng từ 10 - 15%/năm. Hiện, thành phố phải xử lý khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày...

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trước năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, song, cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể như đã có quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn nhưng sau một thời gian vướng quy định pháp luật và trang thiết bị nên không thành công.

Mặt khác, theo Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh; Thành phố phân loại rác thành 2 nhóm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Trong khi đó, khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân theo 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trước thực trạng trên, không ít chuyên gia môi trường cho rằng, song song với việc sớm ban hành quy định phù hợp về phân loại rác tại nguồn, TP. Hồ Chí Minh cần thay đổi tư duy, cách thức quản lý rác. Kinh nghiệm của các nước đã thành công trong phân loại rác tại nguồn cho thấy, việc đổ rác, phân loại rác phải có quy định bắt buộc, theo giờ giấc nhất định. Bởi lẽ, phân loại rác không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp mà còn tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn; sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền cho lực lượng học sinh, sinh viên - lực lượng quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp trong tương lai.

Hội Liên hiệp Phụ nữ cụm 2 Quận 8 tổ chức trò chơi phân loại chất thải rắn sinh hoạt bằng rác thật. Nguồn: ITN
Hội Liên hiệp Phụ nữ cụm 2 Quận 8 tổ chức trò chơi phân loại chất thải rắn sinh hoạt bằng rác thật
 Nguồn: ITN

Nâng cao ý thức phân loại rác

Thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện với môi trường”, phong trào “Chống rác thải nhựa”; nhiều hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường đã diễn ra sôi nổi, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, phải kể tới mô hình “Ngôi nhà của pin”. Thay vì người dân bỏ pin chung với rác thải sinh hoạt, nhiều nơi đã tạo ra những “ngôi nhà” để tập kết các loại pin cũ, sạc dự phòng hỏng… sau đó thu gom chuyển đến những điểm xử lý pin tập trung.

Được biết, mô hình “Ngôi nhà của pin” năm 2022 đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 11 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 triển khai thí điểm tại 16 phường vào tháng 7.2022; ưu tiên đặt ở những tuyến đường lớn trong Quận, tập trung đông dân cư để người dân có thể dễ dàng tìm được điểm tập kết pin cũ, đồng thời lan tỏa thông điệp rộng rãi hơn. Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện tại 16 phường, đã có hơn 120kg pin cũ được thu gom. Số pin cũ này được bàn giao về Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 11 để tiến hành các bước xử lý pin cũ đã qua sử dụng theo quy định. 

Nhằm giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO) vừa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 8 (gồm các phường 5, 6, 7, 10, 11) tổ chức tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các cán bộ, thành viên của Hội. Qua đó, giúp người dân nắm vững quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật Bảo vệ Môi trường và Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND. Đồng thời, hiểu rõ hơn về hiện trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại TP. Hồ Chí Minh; cách thức và lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong khuôn khổ chương trình, đại diện CITENCO đã tổ chức trò chơi phân loại chất thải rắn sinh hoạt bằng rác thật.

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong việc bảo vệ và xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị; mới đây, Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp Quận đoàn 12 tổ chức chương trình “Sạch môi trường - trao yêu thương”. Cùng với việc tham gia trò chơi hỏi đáp về rác thải, tầm quan trọng của nước và công tác bảo vệ môi trường; học sinh, sinh viên và người dân đã hiến kế ý tưởng sáng tạo tái chế rác thải và làm sạch môi trường xung quanh nơi mình sinh sống. Theo đó, chương trình dự kiến mở rộng ra toàn Thành phố và các tỉnh lân cận trong tương lai.

Thanh Điểu