Thạc sĩ Nguyễn Đức Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng nhiều đang khiến cho hệ thống xử lý có dấu hiệu bị quá tải. Lượng chất thải rắn y tế có xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng 1 lần trong y tế ngày càng nhiều. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã làm phát sinh một lượng lớn chất thải rắn y tế cần xử lý.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi dịch Covid-19 phát triển mạnh, chất thải y tế đã tăng từ mức 10.000 tấn/ngày lên đến đỉnh điểm là gần 15.000 tấn/ngày. Các cơ sở xử lý chất thải y tế gặp áp lực rất lớn để thu gom, xử lý rác thải y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung…
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh cho hay, chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố đến từ 6.511 cơ sở y tế. Bao gồm: bệnh viện, trung tâm chuyên ngành thuộc hệ dự phòng, chi cục, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và trạm y tế xã, phường và phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám gia đình và cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép. Thành phần của chất thải rắn y tế bao gồm kim loại, vỏ hộp kim loại, kim tiêm, ống tiêm; dây truyền dịch, chai truyền dịch, bông băng đã qua sử dụng; bao bì y tế nguy hại thải bỏ; các bệnh phẩm sau mổ và các loại chất thải khác có chứa thành phần nguy hại…
Không ít tồn tại, hạn chế trong thu gom, xử lý chất thải đã được các chuyên gia đề cập tới như tại TP. Hồ Chí Minh, còn tình trạng lưu chất thải y tế chung với chất thải rắn sinh hoạt; các thiết bị lưu chứa chất thải y tế không đúng tiêu chuẩn, quy cách theo quy định; nhà lưu chứa tạm chất thải y tế nguy hại một số nơi chưa bảo đảm theo quy định; một số nơi chưa bố trí lối đi riêng cho các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó, các đơn vị xử lý chất thải y tế nguy hại chưa chú trọng các giải pháp thu hồi, tái chế chất thải y tế nguy hại; thành phố chưa có khu xử lý/tái chế chất thải y tế nguy hại tập trung với công suất lớn...
Thực tế đó đòi hỏi phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, có chế tài đối với các cơ sở y tế chưa thực hiện phân loại chất thải y tế, chất thải sinh hoạt tại nguồn và chưa thực hiện đúng theo quy định về quản lý chất thải y tế. Mặt khác, để hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại được thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng quy định và không gây ô nhiễm môi trường, không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại không thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cần quy hoạch khu xử lý chất thải y tế tập trung với quy mô, công suất lớn và áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải y tế nguy hại bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị áp dụng công nghệ tái chế trong xử lý chất thải y tế nguy hại...