Chú trọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của huyện đang có thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Huyện Sóc Sơn định hướng và đang hỗ trợ tối đa các đơn vị sản xuất công nghệ cao, hữu cơ từ khâu tổ chức sản xuất đến quảng bá thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Hiện huyện Sóc Sơn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm công nghệ cao… Đến nay, huyện đã có 76 sản phẩm được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP. Về phát triển kinh tế nông thôn, hiện Sóc Sơn có 10 hợp tác xã toàn xã; 43 hợp tác xã thôn, liên thôn và 53 hợp tác xã chuyên ngành.
Theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tân Hưng (xã Tân Hưng) Nguyễn Thị Bích Liên cho biết, hợp tác xã hiện nay sản xuất chủ yếu các loại lúa gạo đặc sản trong đó vụ xuân chủ lực là gạo J02, vụ mùa là nếp cái hoa vàng với quy mô lên tới 250ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Mặc dù quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm vượt trội nhưng khâu tiêu thụ đầu ra vẫn chưa đạt được như mong muốn, hiện có tới 70% sản phẩm lúa gạo của đơn vị sản xuất bán cho thương lái.
Còn bà Chu Thị Thủy, phụ trách sản xuất Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí) bày tỏ, với quy mô sản xuất 2ha, hợp tác xã đầu tư nhà màng, nhà lưới công nghệ cao để sản xuất các loại như măng tây xanh, dưa chuột bao tử, dưa Hàn Quốc… Nhờ chất lượng vượt trội, trồng công nghệ cao và tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ đầu ra sản phẩm khá ổn nhưng trong thời gian tới, đơn vị muốn mở rộng quy mô lên gấp đôi và muốn được tham gia các chuỗi liên kết để bảo đảm đầu ra sản phẩm thông suốt ngay từ khi xuống giống, vì chi phí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với hữu cơ khá lớn.

Nguồn: ITN
Phân loại đối tượng tiêu dùng theo từng phân khúc
Tại Diễn đàn “Khuyến nông: liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” diễn ra vừa qua, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để sản phẩm nông nghiệp vào được hệ thống phân phối hiện đại, nông dân, hợp tác xã cần chú trọng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu; sản lượng đồng đều; giá thành hợp lý. Bên cạnh đó, nông dân, hợp tác xã cần biết phân loại đối tượng người tiêu dùng theo từng phân khúc (nông thôn hay thành thị) và chủ động tìm hiểu thị trường.
Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển (Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) Phạm Thị Lý đánh giá cao vùng nông nghiệp Sóc Sơn với nhiều sản phẩm chất lượng cao, được chứng nhận chất lượng từ cơ quan chức năng. Với nhiều quy mô sản xuất khác nhau từ nhóm hộ đến hợp tác xã, do vậy địa phương, doanh nghiệp, nông dân cũng cần có sự liên kết, kết nối, trao đổi thông tin để lựa chọn mô hình tiêu thụ nông sản phù hợp. Cũng theo bà Lý, khi lựa chọn được kênh tiêu thụ tốt, phù hợp với quy mô sản xuất sẽ tạo điều kiện để các mô hình phát triển bền vững.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân nhấn mạnh, mặc dù Sóc Sơn có nhiều loại nông sản chất lượng cao, song người sản xuất, hợp tác xã cần liên kết với nhau, nhất là ở những khâu như bảo quản sau thu hoạch, sơ chế sản phẩm... Về phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, cần xúc tiến hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình điểm về kho lạnh bảo quản, dây chuyền chế biến, góp phần gia tăng giá trị nông sản.