Nhược điểm vẫn là chủ đạo
Trước hết, hãy nói về việc “nếu làm điện hạt nhân”.
Điện hạt nhân được coi là sạch, không phát thải CO2. Bên cạnh đó, điện hạt nhân cũng được coi là bảo đảm an ninh năng lượng, tránh phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu và khí, cung cấp điện năng ổn định công suất lớn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy vậy, nhược điểm của điện hạt nhân vẫn là chủ đạo. Trước hết, chi phí rất đắt. Đó không chỉ là chi phí đầu tư (nếu làm, chúng ta hoàn toàn phải nhập khẩu công nghệ), mà sau đó chi phí xử lý môi trường đối với chất thải và đối với nhà máy đã hết hạn cũng cực lớn, không thua kém gì việc xây dựng nhà máy mới. Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp nhà máy hết hạn, chúng ta có thể chở thanh nhiên liệu cho bên sản xuất (bên bán) để họ xử lý, tuy nhiên, kể cả có vậy thì chi phí, cách thức vận chuyển cũng không đơn giản và rất tốn kém. Những điều này, nếu làm điện hạt nhân, cần phải tính đến ngay từ đầu, tức cộng cả chi phí xử lý môi trường vào chi phí đầu tư nhà máy, để tính toán giá điện hạt nhân có hợp lý không, có rẻ hơn so với các nguồn năng lượng sơ cấp khác không?
Về tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân, dù công nghệ hiện nay bảo đảm an toàn cao song vẫn có rủi ro sự cố. Nếu sự cố xảy ra, không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nhà máy mà là cả một vùng rộng lớn và tác động trong nhiều năm, lên nhiều thế hệ.
Để vận hành nhà máy điện hạt nhân, yêu cầu về đội ngũ công nhân, kỹ sư cũng đặc biệt quan trọng. Đó không chỉ là những người được đào tạo về kỹ thuật, mà cả về tính kỷ luật. Để đào tạo một cán bộ kỹ thuật quản lý nhà máy điện hạt nhân phải mất chục năm ở nước ngoài, với 5 năm học thành kỹ sư, sau đó để vận hành ở nhà máy phải có đủ kinh nghiệm 5 - 10 năm mới đủ kinh nghiệm làm độc lập. Về hệ thống quản lý nhà nước cũng cần phải tính đến cho thấu đáo. Từng có đề xuất rằng lập một bộ máy để quản lý nhà máy điện hạt nhân. Trong khi Nhà nước đang cố gắng thu gọn đầu mối, thì giải quyết vấn đề này thế nào cho hợp lý cũng là một bài toán lớn.
Sau năm 2035 - 2040 mới nên tính đến!
Xét tổng thể, tôi cho rằng, chúng ta không nên tính đến phát triển điện hạt nhân, ít nhất là từ nay đến năm 2035. Điều này dựa trên xu thế thời đại và tiềm năng sẵn có của Việt Nam.
Về xu thế thời đại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xu thế của thời đại là phát triển năng lượng mới - năng lượng tái tạo.
Về tiềm năng, nước ta có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Cụ thể, với điện mặt trời, tiềm năng khai thác ở Việt Nam khá lớn, nhất là ở khu vực duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long với năng lượng bức xạ mặt trời trong năm tương đối ổn định là 4 - 5kWh/m2/ngày. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.200km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam cũng vô cùng lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512 GW.
Tới đây, năng lượng gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi nên được tập trung ưu tiên. Lý do bởi, điện gió không chiếm nhiều đất trong đất liền nên không phải thu hồi đất, trong khi năng lượng mặt trời sử dụng rất nhiều đất. Bên cạnh đó, Việt Nam có mặt biển dài rộng, việc ưu tiên điện gió ngoài khơi sẽ tận dụng được cơ hội này.
Sở dĩ nhiều nước chọn làm điện hạt nhân còn bởi họ không có tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng khác. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều loại tài nguyên để phát điện hơn hẳn nhiều nước. Theo tính toán, đến năm 2050, nếu như hoàn toàn không dùng năng lượng khác, thì riêng tiềm năng gió, mặt trời đã đủ phát điện cho toàn quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ phát triển một loại các nhà máy điện gió, điện mặt trời, mà nên phát triển đa dạng, hài hòa giữa các nguồn năng lượng sơ cấp, bao gồm cả năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, khí, dầu, than…
Hiện, công nghệ tích trữ năng lượng tái tạo vẫn còn kém ổn định. Tuy nhiên, xu thế của thế giới là đến năm 2030, hệ thống này sẽ rất ổn định, kể cả khi có mưa bão, không có mặt trời thì khả năng tích lũy vẫn bảo đảm. Nói cách khác, về mặt công nghệ của năng lượng tái tạo sẽ khắc phục được. Nếu sử dụng tốt năng lượng gió và mặt trời, thậm chí Việt Nam có thể xuất khẩu năng lượng này. Vậy nên, trước mắt, Việt Nam hãy tập trung vào những nguồn năng lượng này để phát điện là tốt nhất. Đồng thời, phải nâng cao trình độ quản lý điều độ, tránh tình trạng dư thừa nguồn cung do hệ thống truyền tải bị quá tải như đã xảy ra.
Dù vậy, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu hạt nhân. Bởi năng lượng hạt nhân không phải chỉ dùng cho phát điện, mà còn dùng trông công nghiệp, y tế, nông nghiệp… Khi đưa vào kế hoạch sử dụng điện hạt nhân thì phải có luận cứ đầy đủ, tham khảo rộng rãi mới cho làm. Có thể phải từ sau năm 2035 - 2040 mới tính đến, vì bây giờ có muốn cũng không làm được do chưa có lực lượng. Khi đó, quy hoạch điện VIII cũng đến lúc cần thay đổi, công nghệ của thế giới cũng thay đổi. Biết đâu, sau năm 2030, thế giới sẽ xuất hiện xu thế năng lượng mới, ngoài năng lượng tái tạo, điện hạt nhân…?