Giảm 11,67% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế đã được tổ chức triển khai bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế, trong đó Bộ, ngành Trung ương là 106.890; địa phương là 140.832, giảm 27.530 biên chế.
Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc quản lý, sử dụng biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn có mặt hạn chế như: Sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính; định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu (ban hành trước khi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII) nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp). Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Tinh giản biên chế còn mang tính cơ học
Việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm” – Bộ Nội vụ nhận định.
Theo Bộ Nội vụ, những tồn tại này là do việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chưa đồng bộ, do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu công chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm. Người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ được giao; còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành, địa phương mình và chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Khắc phục tình trạng này, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quy định về định mức biên chế công chức, viên chức; về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Bộ Chính trị và lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2025; đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.
Cùng với đó, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.