Hàng hóa ùn đọng và “bán lốt” xe hàng trăm triệu

- Thứ Hai, 17/01/2022, 06:05 - Chia sẻ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lâm Văn Hưởng (sinh năm 1983); Nông Tuấn Anh (sinh năm 1992, cả hai đều là cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi nhận hối lộ và Đinh Văn Thìn (sinh năm 1979, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn về hành vi đưa hối lộ trong việc thực hiện việc “bán lốt” để xe hàng hóa thông quan trước.

Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc tăng cường kiểm soát người và phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu, đã dẫn đến tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản bị ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài. Theo thống kê, tại cửa khẩu Lạng Sơn, có lúc cao điểm ùn tắc lên đến 5.000 phương tiện, khoảng 10.000 lái xe đường dài, số lượng xe được thông quan rất hạn chế (khoảng 100 xe/ngày). Tình trạng này dẫn đến hàng hóa nông sản bị hỏng, nhiều chủ hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm - vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bị thiệt hại mà người nông dân bị ảnh hưởng không nhỏ từ tình trạng ùn đọng nông sản này. Và nếu không có giải pháp thông quan kịp thời, thì câu chuyện buồn về “giải cứu” nông sản sẽ lại tiếp diễn.

Để bảo đảm giao thương thông suốt nhằm duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất giữa hai nước cũng như trong khu vực, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và 7 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc khẩn trương thành lập nhóm công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh phối hợp với phía Trung Quốc tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở cửa khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt.

Điều đáng buồn là, trong khi người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành rất “sốt ruột” và đang nỗ lực tìm các giải pháp để thông quan hàng nông sản đang bị ùn ứ tại cửa khẩu thì vẫn có những cá nhân đã lợi dụng tình trạng này để trục lợi. Các đối tượng này đã có hành vi đưa và nhận hối lộ nhằm điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không theo thứ tự quy định. Lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ ở bãi trung chuyển chờ xuất khẩu, các đối tượng đã thông đồng tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu Container để đưa những xe mới đến thay vào vị trí xe cũ với giá từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe. Với hành vi “bán lốt” xe này các đối tượng thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng. Những chuyến hàng hóa ùn đọng tại cửa khẩu, ngoài lý do kiểm soát chặt phòng, chống dịch từ phía nước bạn, còn có sự tiếp tay của những cán bộ, con người chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân.

Dịch Covid-19 đã làm cho "sức khỏe" của doanh nghiệp bị suy kiệt. Những chính sách để hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi là rất cần thiết nhưng sẽ là chưa đủ nếu như cán bộ thực thi các chính sách cố tình vi phạm các quy định để trục lợi. Do đó phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm để làm gương, không để doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khó chồng khó”.

Lê Hùng