Ngày 22.7 vừa qua, một số doanh nghiệp vận tải tỉnh Quảng Ninh có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe kinh doanh vận tải không đúng quy định của pháp luật trên tuyến đường Hà Nội - Quảng Ninh. Hay mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ở Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng cần tập trung xử lý là tình trạng “xe dù, bến cóc”, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách liên tỉnh tuyến cố định, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc... Tình trạng này ngày càng có xu hướng nở rộ nếu không xử lý cương quyết và triệt để.
Theo Báo cáo về công tác xử lý “xe dù, bến cóc” ở Hà Nội thì chỉ riêng gần 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng. Bên cạnh đó, TP Hà Nội có nhiều biện pháp từ kiểm tra, thanh tra đến điều chỉnh biểu đồ hoạt động hay chuyển đổi các tuyến buýt cận kề. Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo sử dụng dữ liệu công nghệ từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường thụ lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong việc cấp các loại phù hiệu xe tải, xe hợp đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả quản lý thì thực tế đã minh chứng còn quá nhiều vướng mắc vì “xe dù, bến cóc” không phải là câu chuyện con kiến chui qua lỗ kim. “Không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nêu rõ.
Vấn nạn “xe dù, bến cóc” sở dĩ tồn tại được chính là sự buông lỏng khâu thực thi; là không rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của ngành giao thông - vận tải; làm cũng được mà buông lỏng, thờ ơ cũng chẳng sao. Khi nào, chỗ nào lực lượng chức năng mạnh tay thì “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình không có đất phát triển, còn “lỏng lẻo” là lại hoành hành. Điều này còn dẫn tới hậu quả là nhiều doanh nghiệp vận tải phải bỏ bến ra ngoài hoạt động. Tạo ra vòng luẩn quẩn giữa quản lý của chính quyền cơ sở và doanh nghiệp muốn kinh doanh lành mạnh. Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho tệ sách nhiễu, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các Bộ Công an, Giao thông - Vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh xem xét đơn kiến nghị của các doanh nghiệp, nếu đúng phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Và trách nhiệm chính thuộc Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thực thi nghiêm chỉnh và kiểm điểm chứ không chỉ là vấn đề Hà Nội có buông lỏng hay không?