Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, việc không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để học sinh được nghỉ ngơi thoải mái, cùng gia đình đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo tăng cường giáo dục học sinh về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, từ đó giúp học sinh thấy được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội. Giáo dục học sinh tinh thần yêu lao động, có ý thức giúp ông bà, cha mẹ trong việc chuẩn bị đón năm mới, góp phần tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong mỗi gia đình, tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu ra văn bản về việc “Nghỉ Tết không áp lực bài tập” đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Văn bản này cũng nêu rõ: “trong những năm qua, không ít phụ huynh phàn nàn về số lượng bài tập thầy cô yêu cầu học sinh phải hoàn thành trong thời gian nghỉ tết quá nhiều. Để học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ tết. Bởi, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày tết. Hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, bảo đảm an toàn sức khỏe.
Cùng với Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Quảng Bình cũng có văn bản về việc thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, công văn yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học; Giám đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, yêu cầu giáo viên không giao bài tập cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ Tết, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh, sinh viên sum họp gia đình, đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí lành mạnh.
Như vậy, cho đến thời điểm này, đã có 3 địa phương có văn bản chỉ đạo nói “không” với bài tập Tết, được phụ huynh, học sinh, và dư luận đồng tình, ủng hộ.
Thực tế cho thấy, từ lâu, mỗi dịp Tết đến, ngoài việc chạy chương trình cho kịp tiến độ, thì giáo viên lại phải tính toán, lên kế hoạch giao bài tập Tết cho học sinh. Đó có thể là do cơ sở đào tạo yêu cầu, cũng có thể do tâm lý của giáo viên, thậm chí cả tâm lý của một bộ phận phụ huynh lo ngại nếu không giao bài tập, sau vui chơi Tết, các em có thể quên mất nếp học cũng như kiến thức đã học ở trường. Khi giao bài vở cho học sinh, giáo viên cảm thấy yên tâm hơn vì việc học của các em không bị gián đoạn. Do đó, có những em học sinh phải khệ nệ mang theo sách vở để làm bài tập khi về quê ăn Tết. Áp lực mang tên bài tập Tết với các em là hoàn toàn có thật.
Rõ ràng, cần có những khoảng thời gian để các em được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Học sinh không thể có cái Tết vui trọn vẹn khi một đống bài tập thầy cô giao nhưng chưa hoàn thành. Ngày tết các em được vui chơi, giải trí với những hoạt động văn hóa dân gian. Đây cũng là dịp giúp các em hiểu hơn về những nét đẹp của Tết cổ truyền dân tộc. Ngày Tết là khoảng khắc trân quý khi các em được sống trong không khí ấm áp, đoàn tụ gia đình.
Duy trì liên tục việc thu nạp kiến thức ở trường cho các em là điều cần thiết. Nhưng cũng cần để các em có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa trong dịp Tết cổ truyền. Bởi, khi tâm lý thoải mái, sẽ giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn khi trở lại với nhịp học hàng ngày.
Đã đến lúc chúng ta nên tính toán bỏ gánh nặng bài tập Tết để cho học sinh được nghỉ ngơi, hạnh phúc bên gia đình đúng nghĩa. Quảng Ninh, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm được, các địa phương khác, tại sao không?