- Phát triển AI có trách nhiệm tại Việt Nam
- Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Liệu con người có mất đi việc làm?
- Học thế nào trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo?
- Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật đầu tiên về trí tuệ nhân tạo
- Cần phát triển trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn, văn hóa Việt Nam
Ngày 7.6, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tọa đàm khoa học “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục”.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam do Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, triển khai theo đặt hàng của Aus4Innovation - chương trình hỗ trợ phát triển của Chính phủ Australia hỗ trợ. Dự án tập trung nghiên cứu về AI có trách nhiệm trong các lĩnh vực điển hình như giáo dục, nông nghiệp, y tế, ngân hàng và truyền thông.
Báo cáo đề dẫn, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật nhấn mạnh, AI đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng học tập cá nhân hóa - điều chỉnh việc học với nội dung và tốc độ phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh. AI cung cấp khả năng lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, xác thực và phân tích dữ liệu đó bằng các công cụ như phân tích dự báo và học máy.
“Việc sử dụng AI có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan - từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn như Bộ Giáo dục và Đào tạo”, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị cốt lõi về công nghệ đó, việc triển khai ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục cũng sẽ có thể đi kèm với rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, theo PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, cần đặc biệt quan tâm tới các khía cạnh đạo đức và xã hội của AI như: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế - xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lây lan của các định kiến xã hội và văn hóa; bảo đảm tất cả học sinh có quyền truy cập vào cơ hội tiếp cận bình đẳng tất cả các lợi ích mới nổi.
TS. Tôn Quang Cường, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng phát triển và ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Theo ông, quá trình ứng dụng này sẽ nhanh chóng mở rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, hay dạy nghề, đào tạo doanh nghiệp, giáo dục phi chính quy - học tập suốt đời…
Sự phổ biến của ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của nó đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hóa lợi ích và kiềm chế những rủi ro mà AI có thể gây ra. Vì thế, TS. Tôn Quang Cường khuyến nghị: “Cần nghiên cứu, khảo sát diện rộng, đánh giá phân tích hiện trạng bài bản; lan tỏa các trường hợp thành công; tăng cường áp dụng mô hình PPP; phân tích lợi ích dài hạn về đầu tư AI vào giáo dục; và tích hợp AI trong các chương trình chiến lược và chính sách giáo dục tầm quốc gia”.
Thông qua phân tích các báo cáo của UNESCO và hướng dẫn của các quốc gia về AI trong giáo dục như ở Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản… TS. Nguyễn Bích Thảo, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nhận diện xu hướng phát triển và nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức cốt lõi khi phát triển AI có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người. “Quan trọng nhất là trang bị cho con người các giá trị và kỹ năng cần thiết để phát triển bền vững và cộng tác hiệu quả giữa người và máy; thúc đẩy các giá trị nhân văn trong phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục, lấy con người làm trung tâm”.
Thảo luận về chủ đề này, các chuyên gia đều khẳng định, ứng dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần có quy chế, quy định về đạo đức để thúc đẩy sử dụng AI một cách hiệu quả và tối ưu, hướng tới đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng AI một cách có trách nhiệm đối với cả người dạy và người học.